Việt Nam thăng hạng năng lực cạnh tranh nhờ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại

Chiến tranh thương mại giúp Việt Nam trở thành quốc gia có chỉ số năng lực cạnh tranh cải thiện tốt nhất thế giới, theo báo cáo của World Economic Forum.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019 tăng 15 bậc so với năm 2018. Các chỉ số đánh giá mà World Economic Forum  công bố cho thấy, đa phần các khía cạnh trong bộ năng lực cạnh tranh của Việt Nam đều tăng hạng.

Khả năng tiếp nhận công nghệ thông tin, khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường và sức khỏe là những yếu tố mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh nhất, theo đánh giá của tổ chức này.

Đáng chú ý nhất, trong năm vừa qua, khả năng tiếp nhận thông tin của Việt Nam đã tăng đột phá sau một năm và đạt mức trung bình của các nước Khu vực Tây Á và Thái Bình Dương. Theo khảo sát của World Economic Forum, trung bình một người Việt Nam sở hữu hơn một điện thoại di động, đứng thứ 14 trên thế giới. Ngoài ra, tỉ lệ người dân tiếp cận với internet của Việt Nam cũng đang đạt mức cao.

Chiến tranh thương mại chính là yếu tố giúp năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam thăng hạng, theo nhận xét của World Economic Forum. Cùng với Indonesia, Việt Nam là hai thị trường có sức hút nhất trong khu vực Đông Nam Á, theo nhận định của công ty nghiên cứu thị trường Brain. 

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng đầu 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,2 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh của Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng với cuộc dịch chuyển từ chiến tranh thương mại. Theo nhận định của một số chuyên gia, dưới tác động của chiến tranh thương mại, việc dịch chuyển của các nhà đầu tư sang thị trường Việt Nam mang tính cấp bách, khiến thúc đẩy các nhà đầu tư phải đưa ra quyết định, cả về thời gian dịch chuyển.

Theo đánh giá của World Economic Forum, Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố dưới chuẩn trung bình nếu so với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương như thể chế, cơ sở hạ tầng, kĩ năng lao động, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, hệ thống tài chính, tính năng động trong hoạt động kinh doanh, năng lực cải tiến.  

Doanh nghiệp có thể tìm mọi thứ tại Trung Quốc nhưng sẽ khó kì vọng sẽ được đáp ứng tất cả khi dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam để né tránh chiến tranh thương mại, ý kiến của một doanh nhân chia sẻ với tờ Wall Street Journal

Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho cuộc dịch chuyển từ chiến tranh thương mại. Vì nhu cầu mặc dù đến vô cùng mạnh mẽ nhưng đang gây áp lực lên các hệ thống cơ sở hạ tầng, đất đai, chi phí lao động”, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, ông Stephen Wyatt chia sẻ với Tạp chí Nhà Quản Lý trong một cuộc phỏng vấn.

Dâng Phạm

dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/viet-nam-thang-hang-nang-luc-canh-tranh-nho-huong-loi-tu-chien-tranh-thuong-mai-a565.html