Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) và tổ chức phi chính phủ Hỗ trợ Môi trường của Đức DUH cho biết sẽ khởi kiện các công ty trên như đã từng kiện Royal Dutch Shell ở Hà Lan hồi năm ngoái, với cáo buộc tập đoàn này không có chính sách phù hợp dẫn tới ảnh hưởng đến môi trường.
Tháng 5 vừa qua, một tòa án đã ra phán quyết yêu cầu Royal Dutch Shell giảm 45% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Greenpeace và DUH cũng yêu cầu các tập đoàn chế tạo ngừng sản xuất ôtô động cơ đốt trong vào năm 2030 - sớm hơn lệnh cấm có hiệu lực từ năm 2035 do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất tháng 7 vừa qua.
Riêng Wintershall DEA phải ngừng khai thác tất cả mỏ dầu khí mới kể từ năm 2026.
Các tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa ra những thời hạn chót trên nhằm đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như Luật Khí hậu của Đức.
Theo các tổ chức môi trường, các công ty và tập đoàn sẽ có thời gian vài tuần để thực hiện những yêu cầu về khí thải. Nếu không, các tổ chức phi chính phủ này sẽ nộp đơn kiện lên tòa án Đức.
Trước đó, ngày 8/7, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo 3 nhà sản xuất ôtô của Đức, gồm Daimler, BMW và Volkswagen đã vi phạm các quy định chống độc quyền thông qua việc hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực lọc khí thải ôtô chạy bằng diesel, theo đó phạt BMW và Volkswagen tổng cộng 875 triệu euro (1 tỷ USD).
Thông báo của EC nêu rõ 3 hãng sản xuất ôtô nói trên đã thông đồng phát triển kỹ thuật lọc khí NO2, tuy nhiên, Daimler không bị phạt vì hãng này đã công bố tiết lộ vụ thông đồng này.
Theo đó 5 hãng sản xuất ôtô gồm Daimler, BMW, Volkswagen, Audi và Porsche đã có trong tay công nghệ giảm khí thải độc hại có hiệu quả vượt mức được quy định theo các tiêu chuẩn phát thải của EU.
Tuy nhiên, các hãng này không cạnh tranh tận dụng triệt để tiềm năng của công nghệ này để lọc khí thải sạch hơn mức quy định của EU.
Quỳnh Giang
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-hang-xe-volkswagen-bmw-daimler-mercedes-benz-se-bi-khoi-kien-a5523.html