Với hình vẽ chân dung cùng những ngọn sóng, con thuyền biểu tượng hình ảnh của những bài thơ bài thơ nổi tiếng nhất: Sóng, Thuyền và biển, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh lần đầu tiên xuất hiện trên trang chủ tìm kiếm của Google Việt Nam nhân sinh nhật lần thứ 77 của bà.
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
(Sóng - Xuân Quỳnh)
Những vần thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh đã đi vào ký ức của hàng triệu người yêu thơ Việt Nam, đến mức đôi khi người ta quên đi tác giả của nó. Xuân Quỳnh là một trong những nữ nghệ sĩ tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Nhiều tác phẩm của bà đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở bậc phổ thông như Thuyền và biển, Chuyện cổ tích về loài người. Các tác phẩm khác như Thuyền và biển viết vào tháng 4.1963, và Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh được Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công.
Các tác phẩm của bà hình thành trong giai đoạn 1962 - 1988, thời gian có nhiều sự thay đổi trong lịch sử, đời sống xã hội người Việt Nam. Thời điểm 1962-1975 là lúc miền Bắc của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật và hỗ trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
Bà cũng đi qua giai đoạn bao cấp (1976-1986) trước khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn của thời kì đổi mới. Các tác phẩm của bà thể hiện đa dạng với các chủ đề như chiến tranh, tình yêu, cuộc sống và thiếu nhi với các cung bậc cảm xúc từ đắm say, lúc đau khổ, suy tư của một người phụ nữ, người vợ và người mẹ.
Xuân Quỳnh để lại công trình sáng tác với hơn 10 tập thơ, tác phẩm chính trong đó nổi bật như Thuyền và biển, Sóng (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào năm 1968), Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh,...
Ngày 30.3.2017, Xuân Quỳnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với hai tập thơ là Lời ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng. Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Năm 1973, bà kết hôn với người chồng thứ hai là nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và có một người con trai sau đó. Tình yêu giữa Lưu Quang Vũ đã là nguồn cảm hứng sáng tác cho hàng loạt tác phẩm của cả hai nghệ sĩ. Những lá thư viết cho nhau, đến nay vẫn khiến bao thế hệ độc giả thổn thức.
Trong bức thư gửi vợ - nhà thơ Xuân Quỳnh vào 5.6.1976, nhà thơ Lưu Quang Vũ có viết "Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người."
Mặc dù là những nhà thơ nhà văn thời hậu chiến, khi mà chiến thắng vẫn là dư vị tự hào thì những tác tác phẩm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đặt ra nhiều vấn đề trăn trở về cuộc sống trong giai đoạn này như sự tha hóa của con người, sự đấu tranh giữa cái mới và cái cũ. Riêng nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ trước khi qua đời vào tuổi 40, đã để lại 50 tác phẩm kịch, làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita.
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ mất ngày 29.8.1988 cùng với con trai trong một vụ tai nạn.
Google Doodle là một sự thay đổi đầy tính ngẫu hứng của Google dựa vào những ngày kỷ niệm, những ngày lễ lớn, hay cuộc đời các nghệ sĩ và các nhân vật có tầm ảnh hưởng. Những hình ảnh này được Google vẽ trên trang chủ tìm kiếm của mình, và hiển thị khác nhau tại từng quốc gia. Google Doodle chính thức ra đời vào ngày 30.8.1998 với hình ảnh về “burning man” – một sự kiện nghệ thuật thường niên tổ chức ở miền Tây Hoa Kỳ có nghi thức đốt tượng trưng một hình nộm bằng gỗ lớn.
Dâng Phạm
dang.pham
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/google-viet-nam-tuong-nho-nha-tho-xuan-quynh-a550.html