Kate còn được gọi là Mbang Katé, là một lễ hội tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Chăm, chủ yếu ở vùng Nam Trung bộ thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vv.. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc và rất quan trọng với đời sống tinh thần của họ. Kate có nhiều nghi lễ, nhưng hầu hết để tưởng nhớ đến tổ tiên, các vị anh hùng được cộng đồng tôn vinh thành thần linh và tưởng nhớ tới một số vị vua chúa và các nhân vật có công thời xưa. Lễ hội Kate được hình thành trên những nền tảng về tục cúng lễ và tín ngưỡng của Ấn Độ giáo từ thế kỷ II đến thế kỷ II. Về sau, nó được lan tỏa và hình thành nên lễ hội khi có sự ảnh hưởng và dung hòa của Hồi giáo từ thế kỷ XV và tín ngưỡng địa phương.
Theo sử sách, ngoài bộ phận người Chăm Awal đến tham viếng và dâng kính lễ hội. Bộ phận người Raglai là bộ phận đóng một vai trò hết sức quan trọng để tạo nên tính thành công của lễ hội. Bởi lẽ, chính người Raglai là người giữ những đồ vật quan trọng của vua chúa như áo, váy, khăn mão, còng tay, hoa tai, cùng với đó là các đồ vật cúng lễ như tô, bát, chén… được làm bằng vàng và bạc. Ngoài ra, những lễ vật cúng tế như trầu cau, đậu, dê, nếp… cũng đều do người Raglai chuẩn bị. Phụ nữ, các lễ vật dâng cúng Katê tại đền tháp bao gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế ở tháp, 5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả. Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè… Đây là những lễ vật được bay cúng trên các tháp, riêng dưới chân tháp còn có hàng trăm mâm lễ vật khác cũng được bày ra từ những người đi tham gia lễ.
Năm nay lễ hội Kate ở Phan Rang (Ninh Thuận) được chọn theo lịch Chăm chính thức là 27 -29/9/2019. Đồng loạt có nhiều nơi cùng tổ chức lễ hội Kate, nhưng lớn nhất phải kể đến ở tháp Po Klong Garai (tháp Chàm, trung tâm thành phố Phan Rang), tháp Poreme (hay còn gọi là tháp Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). Thời gian diễn ra lễ hội Kate chính thức thường diễn ra trong 3 ngày: 1 ngày cúng tế người thân tại gia đình, 1 ngày cả làng rước kiệu và y trang của các vị thánh thần từ đền đi dạo quanh làng và ngày mở cửa tháp quét dọn cúng tế.
Vì điều kiện thời gian và không gian có hạn, nên bài ảnh này chỉ tập trung tường thuật lại lễ Kate ở tháp Poreme (tháp Hậu Sanh). Mời các bạn cùng xem:
Từ tối hôm trước, bà con các họ tộc trong làng đã mang đồ lễ tới đền, để các thầy Cả cúng tế tổ tiên và dâng lên các vị thần linh
Vào ngày lễ chính thức, giờ rước kiệu rất được coi trọng về độ chính xác, chủ yếu do các cụ cao niên có uy tín trong làng tính toán theo lịch Chăm cổ và quyết định.
Kate là dịp lễ hội để thanh niên người Chăm được gặp gỡ và kết nối tình thân. Người đi làm xa cũng luôn cố gắng thu xếp kịp về nhà dịp này, một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm. Trong ảnh là một gia đình người Chăm đang chụp ảnh kỷ niệm với nhau ngay tại khuôn viên tháp Chàm, trung tâm thành phố Phan Rang.
Y trang, hay còn gọi là trang phục tương truyền của vua và hoàng hậu Chăm Pa thời xưa, được đưa vào kiệu võng để chuẩn bị làm lễ rước quanh làng. Mỗi năm tới ngày lễ Kate, cộng đồng thiểu số Raglai vùng cao sẽ mang y trang xuống cho bà con Chăm làm lễ. Họ được coi là những người đồng bào giữ sứ mệnh gìn giữ báu vật cho người Chăm.
Đoàn ca múa trong y phục truyền thống của phụ nữ Chăm biểu diễn trước cổng tháp Poreme, trước sự chứng kiến của quan khách và người dân.
Khi lễ rước kiệu và y trang bắt đầu đi vòng quanh làng, các thầy Cả và chức sắc luôn dẫn đầu đoàn rước.
Từ 3h sáng, bà con đã tranh thủ tới sớm lấy chỗ và bày đồ cúng lễ kín xung quanh tháp Poreme. Lễ vật được chuẩn bị từ đêm trước rất đẹp mắt và cẩn thận. Nhất thiết phải có trầu cau, thịt gà và trái cây theo tục lệ cổ.
Tới giờ mở cửa tháp, chỉ thầy Cả và rất ít thầy tế uy tín mới được vào bên trong tháp quét dọn và bày lễ. Dân làng chỉ được phép chiêm bái từ xa lúc này.
Tháp Porome là một ngôi tháp Chăm Pa cổ ở làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tháp vuông gồm 3 tầng với chiều cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng cũng gần 8m. Tháp mở cửa về hướng Đông với cấu trúc cổng dạng tiền sảnh, bên trong tháp có tượng vua Porome được thờ cúng, cao khoảng 1,2m. Ngoài ra, trong tháp còn có tượng bán thân hoàng hậu Po Bia Sancan người Ê Đê cao khoảng 0,75m và bên ngoài có thêm tượng bà hoàng hậu Sucil. Đây là một trong những tháp mang tính biểu tượng cho văn hoá và tín ngưỡng của cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, bên cạnh tháp Chàm Panduraga.
Hình Ảnh: Hải Thanh
Video: Khánh Nguyễn
Tạp chí Nhà Quản Lý
vutuan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/le-hoi-kate-cua-nguoi-cham-o-den-porome-a547.html