Ngày 20/8/2021, Bộ Chính trị đã có Quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Theo đó, Bộ Chính trị quyết định: Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 – 2026; điều động, phân công giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Thế nhưng tối 22/8, ông Nguyễn Thành Phong với tư cách Chủ tịch UBND TPHCM đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Nhiều bạn đọc thắc mắc hỏi tại sao ông Nguyễn Thành Phong đã được điều động, phân công giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ ngày 20/8 mà đến giờ vẫn còn giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM ?
Về việc này, Nhaquanly.vn xin giải đáp thắc mắc của bạn đọc như sau:
Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã tái đắc cử chức danh Chủ tịch UBND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (với 77/86 phiếu thuận, đạt tỷ lệ 89,53%).
Các cấp phó của ông Nguyễn Thành Phong, gồm: bà Phan Thị Thắng, các ông: Lê Hòa Bình, Ngô Minh Châu, Võ Văn Hoan, Dương Anh Đức cũng được bầu và tái đắc cử chức danh Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tại Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/7/2021, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND TP.HCM đối với ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021.
Lần lượt tại các Quyết định số 1177, 1178, 1179, 1181, 1182, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đối với: Ông Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021; ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021; bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021; ông Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 20/8 vừa qua, theo Quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Thành Phong thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông Nguyễn Thành Phong được Bộ Chính trị điều động và phân công giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Tuy nhiên do ông Nguyễn Thành Phong do HĐND TPHCM bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND TPHCM, nên căn cứ theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Nghị định 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân thì việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TPHCM đối với ông Nguyễn Thành Phong phải do HĐND TPHCM quyết định.
Vì HĐND TPHCM chưa quyết định miễn nhiệm nên đến nay ông Nguyễn Thành Phong vẫn còn giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM và đã ký ban hành Chỉ thị 11/CT-UBND vào tối ngày 22/8 như đã nêu trên.
Cụ thể, tại Điều 84 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định HĐND miễn nhiệm Chủ tịch UBND theo đề nghị của Chủ tịch HĐND. Kết quả miễn nhiệm Chủ tịch UBND phải được phê chuẩn theo quy định tại các khoản 6, 7 và 10 Điều 83 của Luật này.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi muốn miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND thì phải được thực hiện theo những điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục đã được quy định. Theo đó, miễn nhiệm Chủ tịch UBND được tiến hành theo những nguyên tắc và quy trình riêng đã được pháp luật quy định. Vậy nguyên tắc miễn nhiệm Chủ tịch UBND được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định về nguyên tắc miễn nhiệm thành viên UBND, cụ thể là như sau: "Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do HĐND cùng cấp quyết định".
Căn cứ các quy định trên, việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TPHCM đối với ông Nguyễn Thành Phong phải được thực hiện bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do HĐND TPHCM quyết định và việc xử lý kết quả phải được xem xét, phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Được biết chiều 22/8, Thường trực HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã có văn bản triệu tập các đại biểu tham dự kỳ họp chuyên đề (còn gọi là kỳ họp bất thường).
Theo thông báo, kỳ họp chuyên đề sẽ khai mạc vào sáng thứ ba, ngày 24/8 tại Hội trường Thành ủy TPHCM (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) và theo hình thức họp trực tiếp.
Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, TPHCM đang tăng cường và nâng cao thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên thời gian họp chỉ gói gọn trong một buổi. Các đại biểu tham dự kỳ họp phải đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách an toàn...
Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ xem xét một số nội dung như xem xét một số Tờ trình của HĐND TPHCM, UBND TPHCM… Nhưng trọng tâm của kỳ họp chuyên đề lần này có thể là làm công tác nhân sự của UBND TPHCM.
Cụ thể, HĐND TPHCM sẽ tiến hành các thủ tục miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Thành Phong (chuyển công tác) theo quy định; giới thiệu và tiến hành bầu nhân sự thay thế.
Như vậy, chừng nào HĐND TPHCM chưa tiến hành các thủ tục miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Thành Phong thì ông Nguyễn Thành Phong vẫn còn giữ chức vụ Chủ tịch UBND TPHCM.
Ông Nguyễn Thành Phong sinh năm 1962, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, là cán bộ trưởng thành từ công tác thanh niên khi mới 13 tuổi đã tham gia Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và sau đó là công tác Đoàn tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre. Vào Đại học Kinh tế TP.HCM, ông tiếp tục tham gia công tác đoàn với vị trí Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường rồi giữ cương vị Bí thư Đoàn trường, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Năm 1995, tại Đại hội thành lập Hội sinh viên Việt Nam TP.HCM, ông Phong được bầu làm Chủ tịch và sau đó làm Phó bí thư Thường trực Thành Đoàn. Bốn năm sau, ông trở thành Bí thư Thành Đoàn TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM.
Từ 2004 đến 2006, ông Phong làm Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách phía Nam rồi Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đến cuối 2006, ông quay về TP.HCM làm Bí thư Quận ủy quận 2. Ba năm sau, ông được điều động về Bến Tre làm Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 3/2015, Bộ Chính trị quyết định điều động ông thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015, tham gia Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và giữ chức Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015.
Cuối năm 2015, ông Nguyễn Thành Phong được bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM và giữ cương vị này cho đến nay.
Ngày 20/8/2021, Bộ Chính trị đã có Quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Minh Quân
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ong-nguyen-thanh-phong-van-con-lam-chu-tich-tphcm-vi-sao-a5425.html