VietinBank có mục tiêu mua lại GPBank, OceanBank, CBBank?

VNDirect cho biết VietinBank có mục tiêu mua lại các ngân hàng đang cần tái cấu trúc, bao gồm CBBank, GP Bank và Ocean Bank. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng lên kế hoạch thoái vốn vốn khỏi 3 công ty con và tiếp tục tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án VietinBank Tower.

dsc-5525-1-1629520354-1629558314.jpg
 

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán VNDirect đã chia sẻ một số điểm chính trong cuộc họp mới đây giữa VietinBank với các nhà đầu tư, các quỹ và các công ty chứng khoán.

Theo đó, VNDirect cho biết VietinBank đang có mục tiêu mua lại các ngân hàng đang cần tái cấu trúc, bao gồm CBBank, GP Bank và Ocean Bank. Vào năm 2015, cả ba ngân hàng đều bị Ngân hàng Nhà nước ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch thoái vốn tại ba công ty con là công ty chứng khoán, cho thuê tài chính và công ty quản lý quỹ.

Cụ thể, tại VietinBank Sercurities, ngân hàng có kế hoạch chuyển nhượng 25,6% vốn điều lệ trong tương lai, ngay khi tìm được đối tác cho thương vụ này.

Đối với Công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing, HĐQT của ngân hàng đã chấp thuận kế hoạch chuyển 50% vốn điều lệ. Trong đó, 49% cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance và 1% cho nhà đầu tư trong nước.  Hồ sơ của thương vụ thoái vốn này đang được chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, và thương vụ này được kỳ vọng sẽ hoàn thành và ghi nhận trong năm 2021. 

Cuối cùng, ngân hàng cũng đang cân nhắc kế hoạch thoái vốn trong tương lai đối với Công ty Quản lý Quỹ VietinBank Capital. 

Bên cạnh đó, VietinBank cũng đang tiếp tục tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án VietinBank Tower. 
Đây là dự án được xây dựng với diện tích gần 30.000 m2, bao gồm 2 tòa 48 và 68 tầng tại Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công năm 2010, được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chậm tiến độ.

Về tình hình kinh doanh của VietinBank, VNDirect cho rằng VietinBank đang phân loại nợ chặt chẽ hơn để kiểm soát chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) cuối quý 2/2021 lên tới 1,34% từ 0,88% tại cuối quý 1/2021 và 0,94% tại cuối quý 4/2020. Đáng chú ý, nợ xấu nhóm 5 tăng 106% so với cùng kỳ và 119% so với quý trước do ngân hàng thực hiện việc phân loại nợ một cách chặt chẽ hơn cho các mục tiêu quản lý. Qua đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm về 129% tại cuối quý 2/2021 từ mức 155,4% tại cuối quý 1/2021 và 132% tại cuối quý 4/2020. 

Trong nửa cuối năm 2021 hoặc quý đầu tiên năm 2022, ngân hàng dự kiến ghi nhận thu nhập từ phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý. VNDirect dự phóng VietinBank sẽ nhận được 250 triệu USD phí độc quyền trả trước từ thương vụ này, phí phân bổ sẽ được ghi nhận trong 5 năm.

Vào tháng 8 năm 2021, VietinBank được thêm vào chỉ số thị trường Cận biên của Morgan Stanley Capital International (MSCI). VnDirect cho rằng, việc xuất hiện trong chỉ số sẽ giúp CTG thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. VNDirect ước tính cổ phiếu CTG chiếm 0,3% tổng danh mục. Trong trường hợp, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên chỉ số này với tổng số tiền là 2 tỷ USD, sẽ thu hút 6,5 triệu USD, tương đương với 4,3 triệu cổ phiếu CTG.

Hiện tại, CTG đang giao dịch ở mức P/B 2021 là 1,7x, thấp hơn một chút so với trung bình ngành. VNDirect nhận định mức định giá như vậy là hoàn toàn hấp dẫn với một ngân hàng có ROE trung bình 2021-22 đạt mức 19%. Tiềm năng tăng giá của CTG bao gồm việc ghi nhận từ thương vụ thoái vốn. Rủi ro giảm giá là chi phí vốn cao hơn dự kiến do cạnh tranh cho các khoản tiền gửi dài hạn.

Diệu Quang

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vietinbank-co-muc-tieu-mua-lai-gpbank-oceanbank-cbbank-a5407.html