Ngành phân phối dược phẩm thu hút nhà đầu tư

Sự hấp dẫn của thị trường y tế và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang khiến các nhà đầu tư tìm các kênh khác nhau để rót vốn.

Mới đây, BuyMed, một startup chuyên phân phối dược phẩm trực tuyến theo hình thức B2B (business to business - bán sỉ) vừa công bố khoản đầu tư 500.000 USD đến từ hai quỹ Cocoon Capital (Singapore) và VietCapitital Ventures.

BuyMed sở hữu sàn bán dược phẩm thuocsi.vn. Website này có hoạt động tương tự như một “chợ” chuyên phân phối sỉ thuốc tân dược. Với mô hình B2B, phân khúc khách hàng mà thuocsi.vn hướng đến đa phần là các nhà thuốc nhỏ lẻ. Đây là phân khúc có nhu cầu số lượng thuốc ít hơn so với lượng thuốc các công ty dược phẩm yêu cầu tối thiểu.

Nhà thuốc An Khang - một trong các chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam (Ảnh: Dâng Phạm)
Nhà thuốc An Khang - một trong các chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam (Ảnh: Dâng Phạm)

BuyMe đang là một trong số ít những sàn thương mại điện tử chuyên về lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Đa phần các cửa hàng bán lẻ thuốc sẽ chọn kênh mua thuốc sỉ qua trình dược viên của công ty dược và các chợ bán sỉ lớn như Trung tâm Thương mại Dược phẩm và trang thiết bị y tế, quận 10, TP.HCM hay Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ông Peter Nguyễn, CEO, đồng sáng lập của BuyMed chia sẻ với Tạp chí Nhà Quản Lý, Việt Nam có khoảng 40.000 cửa hàng dược phẩm trên toàn quốc. Tính tới thời điểm hiện tại, các thương hiệu chuỗi bán lẻ dược phẩm như Phano, Pharmacity, Long Châu cũng chỉ mới chiếm 2% thị phần thị trường, và phần lớn còn lại vẫn đang rơi vào các nhà thuốc nhỏ lẻ. Ông Peter cũng cho biết thêm, công ty sẽ mở rộng kho bãi cho thuocsi.vn trong thời gian tới. Vị trí mở kho bãi chưa được tiết lộ.

Năm 2019, Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, Mekong Capital, cũng đưa dược phẩm vào trong danh mục đầu tư của mình. Hồi tháng Năm vừa qua, Mekong Capital công bố thông tin hỗ trợ tài chính cho chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity với kế hoạch tăng lên thành 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. Vào thời điểm công bố khoản hỗ trợ tài chính này, Pharmacity đã có 186 cửa hàng. Tính đến nay, Pharmacity đã mở rộng ra thành 227 cửa hàng chủ yếu tập trung ở TP.HCM và một số cửa hàng ở các thành phố khác như Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ và Hà Nội.

 Dự báo mức độ chi tiêu thuốc của người Việt Nam (USD/người) - Nguồn: Int J Environ Res Public Health
Dự báo mức độ chi tiêu thuốc của người Việt Nam (USD/người) - Nguồn: Int J Environ Res Public Health

Theo đánh giá của Quỹ Viet Capital Ventures, bán lẻ, giáo dục và y tế là ba lĩnh vực vừa có nhiều vấn đề để khắc phục và đồng thời có tốc độ tăng trưởng mạnh trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, đây là ba lĩnh vực mà quỹ này đang tập trung đầu tư. Thị trường y tế của Việt Nam có quy mô 17,4 tỉ USD năm 2018, theo nghiên cứu của Euromonitor.

Ngoài ra, các ông lớn bán lẻ của Việt Nam cũng lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm như FPT Retail mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu và Thế Giới Di Động mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang. Đến nay, Thế Giới Di Động cũng phát triển chuỗi lên thành 20 cửa hàng tại TP.HCM. Long Châu đã có 48 cửa hàng tại TP.HCM và mở rộng ra các tỉnh như Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau.

Dự báo thị trường bán lẻ thuốc kênh OTC. (Nguồn:Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare 2014)
Dự báo thị trường bán lẻ thuốc kênh OTC. (Nguồn:Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare 2014)

Theo đại diện của một công ty chứng khoán tại Việt Nam, sự phát triển của ngành y tế sẽ không dựa vào nền kinh tế của đất nước mà sẽ phụ thuộc vào mức độ già hóa của dân số. Do đó, việc đầu tư vào ngành y tế có tính chất lâu dài. Người đại diện này cũng cho biết thêm, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dự kiến rót vốn vào ngành y tế trong thời gian tới đây.

World Bank đưa ra dự báo vào năm 2040 số người từ 65 tuổi trở lên tại Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần so với năm 2015, đạt khoảng 18,4 triệu người, tương đương 17% dân số. Báo cáo “Pharmaceutical Industry in Vietnam: Sluggish Sector in a Growing Market", (tạm dịch: Ngành dược phẩm Việt Nam: Ngành chậm chạp trong một thị trường đang phát triển), của Int J Environ Res Public Health đưa ra dự báo mức chi tiêu vào thuốc chữa bệnh của người Việt Nam sẽ đạt khoảng 250USD/người vào năm 2027, gần gấp năm lần so với năm 2017.

Tuy nhiên, doanh thu của kênh bán hàng nhà thuốc (OTC) - không thông qua đơn - chỉ chiếm một phần tư tổng giá trị thị trường, tương đương 1 tỉ USD, theo báo cáo Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare 2014. Phần còn lại (khoảng 3 tỉ USD) thuộc kênh phân phối qua bệnh viện, qua đơn thuốc được kê. Dự tính thị phần của kênh OTC sẽ giảm xuống trong thời gian tới do việc bán thuốc được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Dâng Phạm

dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nganh-phan-phoi-duoc-pham-thu-hut-nha-dau-tu-a525.html