CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (FLC GAB - Mã: GAB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thuần đạt 93 tỷ đồng, tăng 241% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 611 triệu đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Được biết đến là một doanh nghiệp sản xuất gạch nhưng doanh thu quý II chủ yếu tăng từ doanh thu bán hàng nông sản. Theo giải trình của FLC GAB, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến nền kinh tế chung cùng với giá cả thị trường của vật tư và các chi phí đầu vào tăng cao nên FLC GAB đẩy mạnh triển khai kinh doanh các mặt hàng nông sản để tăng doanh thu và lợi nhuận.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu FLC GAB đạt 172 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 6,6 tỷ đồng, cao hơn 29% cùng kỳ 2020.
Sau khi trừ các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, cho phí quản lý doanh nghiệp công ty chỉ còn lãi vỏn vẹn hơn 100 triệu. Số lãi thuần 1,3 tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm chủ yếu do sự đóng góp của doanh thu mảng tài chính với gần 1,2 tỷ đồng. Qua đó giúp lãi sau thuế nửa đầu năm của công ty tăng hơn 70% nhưng đạt chưa đầy 1 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra vào ngày 17/5, FLC GAB đặt mục tiêu doanh thu 380 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 8 tỷ đồng. Theo ước tính của ban lãnh đạo ở thời điểm đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hết quý II/2021 của FLC GAB dự kiến đạt lần lượt là 208 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 55% và 56% so với kế hoạch năm.
Như vậy, kết quả thực tế đạt được của FLC GAB trong nửa đầu năm thấp hơn nhiều so với dự tính của ban lãnh đạo công ty. Còn so với kế hoạch đề ra, công ty mới chỉ thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021.
Với 13,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) GAB trong nửa đầu năm ở mức 69 đồng và trong 4 quý gần nhất là 134 đồng. Đến cuối tháng 6, thị giá cổ phiếu GAB dừng ở mức 195.000 đồng, tương đương tỷ lệ P/E là 1.455 lần - mức cao hiếm có trên thị trường chứng khoán Việt Nam và bỏ xa các doanh nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng khác như CVT (12,8 lần) hay KSB (5,8 lần),…
Mặc dù vậy, đây không phải là mức P/E cao nhất từng được ghi nhận của GAB. Vào cuối năm 2020, chỉ số này còn lên tới 3.453 lần, đồng nghĩa cần khoảng 3.453 năm nhà đầu tư mới thu hồi được số tiền bỏ ra để mua cổ phiếu GAB nếu lợi nhuận công ty không đổi và toàn bộ lợi nhuận được chia cho cổ đông.
Hết quý II, tổng tài sản của GAB dừng ở mức hơn 239 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm 2020. Trong đó, 60% tài sản là các khoản phải thu và 23% là tài sản cố định. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả chiếm hơn 32% tổng vốn của công ty với nợ vay ngân hàng là 26,4 tỷ đồng, chiếm 11%.
Nửa đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty âm gần 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn có dòng tiền dương nhờ hoạt động đi vay và thu hồi vốn góp từ đơn vị khác.
FLC GAB tiền thân là Công ty cổ phần Gạch Tuynel FLC - Đò lèn Hậu Lộc, được thành lập ngày 20/5/2016. Trong nhiều năm, công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gạch rồi mới mở rộng ra lĩnh vực kinh doanh nông sản như nói ở trên.
Tập đoàn FLC từng là cổ đông sáng lập góp 80% vốn điều lệ của FLC GAB nhưng nay đã thoái hết vốn. Thay vào đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 51,1% vốn điều lệ của FLC GAB, tương đương 7,05 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện ông Quyết không giữ bất kỳ chức vụ gì tại công ty.
FLC GAB chính thức niêm yết 13,8 triệu cổ phiếu trên HOSE từ ngày 3/7/2019 với mã chứng khoán GAB.
Đại hội cổ đông FLC GAB vừa qua đã thông qua tờ trình về việc chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu dành cho toàn bộ cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chi trả là 8% trên vốn điều lệ. Việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức sẽ được tiến hành trong năm 2021 khi FLC GAB hoàn thành các thủ tục theo quy định pháp luật.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GAB chốt ngày 9/8 ở mức 193.600 đồng/cp, giảm 1,6% so với cuối năm 2020. Với mức giá trên, GAB cổ phiếu có thị giá cao thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau VCF của VinaCafé Biên Hòa (240.000 đồng/cp). Vốn hóa thị trường của GAB đạt hơn 2.670 tỷ, trong đó số cổ phiếu mà ông Trịnh Văn Quyết sở hữu có giá trị khoảng 1.360 tỷ đồng.
Giao dịch ở mức giá cao nhất nhì thị trường nhưng GAB gần như không có thanh khoản với khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần nhất chỉ đạt 290 cổ phiếu, tương đương 50 - 60 triệu đồng/phiên.
Quốc Thụy