Phát biểu tại diễn đàn kinh tế xanh 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng chi phí logistics đang là một trong những yếu tố khiến nông sản Việt giảm tính cạnh tranh. Tại Việt Nam, chi phí cho logistics còn cao. Chi phí này chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo… Trong riêng ngành nông nghiệp, chi phí logistics phục vụ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore tới 300%.
Ông Tuấn dẫn báo cáo mới nhất của World Bank, có tới 80% hệ thống vận tải của Việt Nam là đường bộ, là loại hình vận tải có chi phí cao hơn hẳn so với đường sắt, đường thuỷ. Tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ ở vào khoảng 50 - 60%. Không chỉ vậy, các tuyến đường bộ thường vây quanh các tỉnh, thành lớn. Các chuyến xe thậm chí chưa có kết nối, chỉ chạy một chiều, chiều còn lại không tải, gây lãng phí vô cùng lớn.
Đặc điểm sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng gây khó khăn trong việc vận tải, lưu kho. Việt Nam có khoảng 9 triệu hộ nông dân với quy mô trung bình chỉ ở vào khoảng 0,6 héc-ta mỗi hộ. “Đây là quy mô thuộc dạng nhỏ nhất thế giới” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Nông nghiệp Việt Nam hướng tới xuất khẩu với khoảng 50% sản lượng nông sản được xuất khẩu mỗi năm. Vấn đề này đặt nông nghiệp Việt Nam trước thách thức về việc kết nối. Ông Tuấn cho rằng cần một hệ thống kết nối các trung tâm cung ứng nông sản tại Việt Nam, đó là nhiệm vụ đặt ra với ngành logistics.
Hệ thống ông Tuấn đề xuất bao gồm hợp tác xã, trang trại, trung tâm kho, và các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại.
Trong đó, hệ thống hợp tác xã, trang trại và trung tâm kho đảm nhiệm vai tròn phân loại, đóng gói lưu kho, vận tải, thương mại, hỗ trợ kỹ thuật...
Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại cần được phân bố ở các trung tâm lớn, gần trung tâm tài chính, kinh tế… thuận lợi cho việc kết nối. Các trung tâm này làm nhiệm vụ Kiểm tra chất lượng khử trùng, sơ chế, kho lạnh, vận tải, sàn giao dịch, hỗ trợ tài chính, thương mại, bảo hiểm.
Các doanh nghiệp khi xây dựng trung tâm này cần tính toán kỹ nên cung ứng nhiều loại nông sản hay chuyên môn hóa từng loại nông sản khác nhau.
Tổ chức tốt mô hình logistics sẽ giúp hàng hoá Việt Nam nói chung, nông sản Việt Nam nói riêng tăng khả năng cạnh tranh.
dohung
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/chi-phi-logistics-phuc-vu-nong-nghiep-viet-nam-dang-qua-cao-a52.html