Nhân hội thảo Tối đa hoá giá trị xã hội cho doanh nghiệp tác động tại Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (VID) và các đối tác tổ chức vào cuối tuần qua, Tạp chí Nhà Quản Lý đã có buổi trao đổi với PGS. TS Trương Thị Nam Thắng, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (VID), cũng là người mới xuất bản cuốn sách Doanh nghiệp xã hội: khởi nghiệp, quản trị và tăng trưởng trong tháng 6 vừa qua.
Nhaquanly.vn: Việt Nam đang có phong trào khởi nghiệp và những năm qua có khá nhiều bạn trẻ chọn doanh nghiệp xã hội để khởi nghiệp. Là một người có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, PSG. TS Trương Thị Nam Thắng có thể nói gì trước một xu hướng này?
PGS. TS Trương Thị Nam Thắng: Người Việt Nam bản chất có tinh thần khởi nghiệp thuộc nhóm cao trên thế giới. Một đối tác của tôi là tổng giám đốc của một tập đoàn lớn Đức tại Việt Nam cũng đồng ý khi tôi phát biểu tại một hội thảo về khởi nghiệp trong thanh niên, nhân viên của công ty sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm đều ra riêng và mở công ty cạnh tranh.
Từ năm 2015 đến nay, khi Chính phủ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (startup), thì khởi nghiệp dựa vào công nghệ lại nổi lên như một phong trào mới. Lần đầu tiên, khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp được đề cập đến, các vườn ươm khởi nghiệp, các chương trình ươm tạo, các chương trình tăng tốc, chương trình truyền thông, quỹ đầu tư quốc tế vào liên tục. Số lượng startup trong các lĩnh vực tăng lên, đặc biệt trong ngành số hoá, sử dụng công nghệ thông tin làm nền tảng, lượng doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư các vòng A, B từ quỹ đầu tư mạo hiểm tăng lên đáng kể. Việt Nam đến năm 2020 đã đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về hệ sinh thái cho startup.
Bên cạnh khởi nghiệp sáng tạo nói chung, khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội (DNXH) là một phong trào khác song hành. Năm 2008, khái niệm doanh nghiệp xã hội được đưa vào Việt Nam. Đến năm 2014, khái niệm doanh nghiệp xã hội đã đưa vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 và tiếp tục Luật Doanh nghiệp 2020.
Doanh nghiệp xã hội là mô hình sử dụng công cụ kinh doanh để giải quyết vấn đề xã hội, sứ mệnh xã hội cao hơn là lợi ích kinh tế của chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp xã hội là một mô hình rất phù hợp để thay thế, hoặc chuyển đổi các tổ chức thiện nguyện, các câu lạc bộ, các nhóm cộng đồng, các tổ chức phi lợi nhuận, giúp cho các nhóm này có khả năng tự vững tài chính tốt hơn, thay vì chỉ dựa vào tiền tài trợ, tặng cho như trước đây. Những người trẻ ngày nay đều có khả năng tiếp cận công nghệ tốt, được tiếp cận nhiều luồng thông tin từ sớm, giá trị cuộc sống của họ không phải lo ăn mặc như thế hệ của cha mình, mà còn là tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Rõ ràng người trẻ ngày nay quan tâm đến các vấn đề xã hội nhiều hơn thế hệ cha mẹ mình. Các gia đình ngày nay cũng cho phép sự tự do nhất định ở con cái của mình, nên việc lựa chọn khởi nghiệp, thay vì đi học cao hơn hoặc có một công việc ổn định tại cơ quan nhà nước, được chấp nhận. Hệ thống quán cafe, wifi miễn phí khắp nơi, các không gian làm việc chung mở ra liên tục.
Đây là những điều kiện tiên quyết cho một môi trường văn hoá hỗ trợ khởi nghiệp cho người trẻ, trong đó có khởi nghiệp xã hội. Với khởi nghiệp, tỷ lệ thất bại cao, tương tự như vậy đối với khởi nghiệp xã hội. Tuy nhiên khác với khởi nghiệp thông thường, nếu thật bại thì người trẻ đều nhận lại được là bài học, nhưng nếu thất bại với khởi nghiệp xã hội còn nhận được một điều nữa là sự tự hào, mình đã từng nỗ lực làm một điều tử tế.
Nhaquanly.vn: Ở trên khía cạnh tạo tác động xã hội, vai trò của các doanh nghiệp xã hội như thế nào? Liệu họ có tạo được những tác động xã hội sâu sắc và toàn diện không thưa chị?
- Bản thân tôi đã nhiều năm nghiên cứu và thực hành về khởi nghiệp xã hội, cũng như những tổ chức lớn như OECD, Liên hiệp quốc đã khẳng định rằng mô hình doanh nghiệp xã hội là một mô hình kinh doanh tiên tiến, ở đó đảm bảo được cân bằng của phát triền bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường), và là công cụ đắc lực cho việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) như xoá đói giảm nghèo, hoà nhập xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xoá bỏ phân biệt đối xử, trao quyền cho nữ giới, là công cụ để cộng đồng ngồi lại với nhau hàn gắn tổn thương, khoảng cách, giải quyết xung đột, đóng góp cho hoà bình.
Những mô hình này thấy rõ ở các doanh nghiệp xã hội Việt Nam. Trước đây không có những DNXH có quy mô nhỏ hoặc vừa sử dụng hoàn toàn người khuyết tật hoặc có thương hiệu tốt, sản phẩm đáp ứng được thị trường chứ không phải kiểu bố thí, xin cho, như Kym Việt, Vụn Art. Có cả những DNXH sử dụng hoàn toàn nhân viên khuyết tật mà là công ty công nghệ như Imagtor, Enable. Những DNXH hoàn toàn tập trung vào cung cấp các giải pháp công nghệ cho người khuyết tật như Vulcan Augmentics. Rất nhiều các DNXH khác làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật, nhóm yếu thế, trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và du lịch bền vững.
Ngay trong nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi, DNXH Việt Nam khẳng định có đóng góp tích cực vào giải quyết vấn đề hoà nhập xã hội, giúp nhóm yếu thế tiếp cận dịch vụ cơ bản tốt hơn, nhanh hơn, đồng thời có bằng chứng về chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện rõ rệt. 50% lãnh đạo của DNXH là nữ giới và đến từ nhóm yếu thế.
Hiện tại với quy mô nhỏ của khoảng 300 DNXH đã đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Tác động xã hội có thể chưa thật sự nổi bật. Tuy nhiên, nếu mô hình DNXH được thúc đẩy với số lượng lớn, chắc chắn lúc này tác động chiều sâu đó sẽ được mở rộng thành những thay đổi chất lượng xã hội mạnh mẽ.
Nhaquanly.vn: Chúng ta phải làm gì để ngày có càng nhiều hơn các bạn trẻ khởi nghiệp thông qua doanh nghiệp xã hội và cách nào để những doanh nghiệp này tác động tối đa hoá trị cho xã hội và các đối tượng được hưởng thụ, thưa chị?
- Như tôi đã nói nói ở trên, hiện có nhiều tiền đề ở trên cho khởi nghiệp xã hội, tuy nhiên, hoạt động đào tạo, giảng dạy về khởi nghiệp xã hội trong các trường đại học còn khá hạn chế. Các vườn ươm chủ yếu tập trung vào ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp vì lợi nhuận. Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư vào DNXH chưa nhiều, có những quỹ đầu tư dành riêng cho DNXH đã vào thị trường Việt Nam, lại phải đi ra, vì quá khó để tìm kiếm DNXH đủ quy mô, đủ chuyên nghiệp để đón nhận đầu tư. Vấn đề ở đây là do các DNXH còn non trẻ, lại được vận hành bởi những người có trái tim xã hội và cống hiến nhiều hơn là kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh, quản trị. Một điểm rất yếu mà tất cả các DNXH Việt Nam đều gặp phải đó là trống vắng hoạt động đo lường và báo cáo tác động xã hội. Việc đo lường vào báo cáo này là cơ sở để tuyên bố với xã hội, với nhà tài trợ, với nhà đầu tư tiềm năng là chúng tôi là DNXH, chứ không phải là DN thương mại, chúng tôi tạo ra giá trị kinh tế và cả giá trị xã hội.
Việc nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, cung cấp các chương trình đào tạo, ươm tạo về khởi nghiệp xã hội là tối cần thiết cho các bạn thanh niên. Những người trẻ là những người có thể tạo ra sự thay đổi, các nhà sáng tạo xã hội (changemaker), nếu họ được trao quyền và tạo điều kiện. Chính vì vậy mà chúng tôi đã cùng với Tổ chức Đại học Thế giới Canada (WUSC) phát triển nền tảng đào tạo và ươm tạo khởi nghiệp xã hội cho thanh niên impactUp.site, cung cấp các chương trình cấp học bổng cho các bạn thanh niên, đặc biệt là nhóm yếu thế và nữ được học tập, kèm cặp và phát triển các sáng kiến khởi nghiệp xã hội trong vòng 3 đến 6 tháng, với 20 môn học và hàng loạt sự kiện kết nối đồng đội, kết nối cố vấn, kết nối thị trường và kết nối đầu tư.
Để cho các DNXH có thể tối đa hoá tác động xã hội của mình, điều quan trọng là họ phải thực sự rõ về sứ mệnh xã hội, giá trị xã hội họ tạo ra là gì, tiếp đó khung tiếp cận và hệ thống quản trị tác động xã hội, từ đó mới theo dõi, lưu giữ số liệu để làm nền tảng cho hoạt động đo lường tác động xã hội và báo cáo tác động xã hội sau đó. Chỉ khi làm quy trình chuyên nghiệp như vậy, các DNXH mới có cơ hội nhận được các khoản tài trợ và đầu tư từ các quỹ thiện nguyện, quỹ đầu tư tạo tác động với chi phí vốn thấp và rất thấp. Các DNXH mới biết các lĩnh vực tác động nào cần tăng cường, chỉnh sửa để từ đó đạt được sứ mệnh xã hội mà mình đề ra. VID trong tháng 7/2021, đã ký Thoả thuận hợp tác 1 năm với Social Value International (SVI) là một mạng lưới thành viên chuyên về thúc đẩy thực hành quản trị và đo lường tác động xã hội để thúc đẩy hoạt động này một cách chuyên nghiệp trong các tổ chức không vì lợi nhuận, các doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp vì lợi nhuận tại Việt Nam.
Xin cảm ơn chị !
Đỗ Hùng