Bất ngờ từ dự báo quốc tế: Việt Nam có thể mất thị phần xuất khẩu gạo vào tay Campuchia, Myanmar

Việt Nam và các nước xuất khẩu gạo chính khác của thế giới có thể mất đi thị phần vào tay của Campuchia và Myanmar trong 10 năm tới, theo báo cáo “Triển vọng Nông nghiệp 2021-2030” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO).

Báo cáo có tên tiếng Anh là “OECD - FAO Agricultural Outlook 2021–2030” dự báo trong 10 năm tới, có thể Campuchia và Myanmar sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong thị trường gạo toàn cầu nhờ thị phần lớn hơn trong khi thị phần của Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam Pakistan và Mỹ sẽ giảm.

“Thị phần gộp của 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này dự kiến sẽ giảm từ 74% xuống 70%” báo cáo viết.

gao-trangv4-1628047792.jpg
OECD và FAO dự báo gạo xuất khẩu của Campuchia và Myanmar sẽ tăng thị phần trên thế giới. Ảnh minh họa

Đối với châu Á, OECD (tức nhóm các nước giàu của thế giới) và FAO nhận xét là chuyển đổi về giống và tăng cường tập trung trồng các giống gạo chất lượng cao hơn “chắc chắn sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”. Với Thái Lan, xứ chùa vàng được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò xuất khẩu quan trọng, sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh hơn, nhất là từ Campuchia và Myanmar.

Theo báo cáo quốc tế nói trên, dự kiến xuất khẩu gạo từ các nước châu Á kém phát triển hơn (tức là gồm Campuchia và Myanmar) sẽ tăng những 250% - từ 4 triệu tấn lên 10 triệu tấn vào năm 2030, và nguồn cung lớn đó sẽ giúp các nước này tăng thị phần ở châu Á và châu Phi.

Về giống, OECD và FAO lưu ý là gạo Indica từ lâu nay vẫn phổ biến nhất trong các loại được giao dịch quốc tế nhưng nhu cầu đối với các giống khác sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới; và loại gạo chính xếp sau Indica trong giao dịch quốc tế là Japonica. Mặc dù cấu trúc thị trường khác nhau theo khu vực sản xuất, sở thích của người tiêu dùng và chính sách, hầu hết các mô hình nông nghiệp trên thế giới không phân biệt giữa hai loại giống trên. Tuy nhiên, trung hạn và dài hạn, biến đổi khí hậu trên trái đất sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của cả hai giống này.

Và các dự báo dựa trên mô hình mới về biến đổi khí hậu cho thấy giá gạo Japonica quốc tế sẽ biến động nhiều hơn so với giá gạo Indica, báo cáo cho biết. Cần nói thêm là trong các dự báo quốc tế, việc sử dụng mô hình được xem là khá phức tạp nên báo cáo của OECD và FAO không đi sâu vào chi tiết nghiên cứu mà chỉ đưa ra dự báo.

Mô hình mới đó cũng xem xét tác động của đầu tư nông nghiệp lên thị trường gạo Indica và Japonica, gồm cả ổn định giá, dựa trên sáu kịch bản về biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn. Trong hai kịch bản được đề cập, mô hình cho thấy hệ thống kiến thức và đổi mới ở Việt Nam và Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định giá gạo Indica và Japonica quốc tế trong trung và dài hạn, khi sản xuất gạo ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Để bảo đảm quy mô nghiên cứu, mô hình này bao gồm các thị trường gạo Indica và Japonica tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu (có tính luôn Vương quốc Anh không còn là thành viên EU), Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Pakistan, Brazil, Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Madagascar và Nigeria.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 3,03 triệu tấn (giảm 14% so với 6 tháng đầu năm 2020), thu về gần 1,65 tỷ USD (giảm 4%), giá trung bình đạt 544,4 USD/tấn (tăng 11,7%). Lượng gạo xuất khẩu cả năm được dự báo khoảng 6,5 triệu tấn.

Tường Thụy

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/bat-ngo-tu-du-bao-quoc-te-viet-nam-co-the-mat-thi-phan-xuat-khau-gao-vao-tay-campuchia-myanmar-a5111.html