Thế tiến thoái lưỡng nan của phương án “3 tại chỗ”

Từ bao đời nay, khi không hoặc chưa biết cách “chống lại” thiên nhiên, người Việt Nam chọn cách sống thích nghi mà điển hình là câu nói “sống chung với lũ” và khi đại dịch bùng phát chúng ta chuyển sang trạng thái “bình thường mới” và phát triển kinh tế bằng mục tiêu kép.

Và để đạt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất, Chính phủ có phương án 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), tức là những doanh nghiệp nào sau khi xét nghiệm Covid 19 cho công nhân viên cho kết quả âm tính sẽ thực hiện 3 tại chỗ để lực lượng này không tiếp xúc với nguồn lây lan trong cộng đồng, qua đó, đảm bảo sản xuất thông suốt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có những người dù mang virus nhưng khi xét nghiệm cho kết quả âm tính, và trong quá trình thực hiện 3 tại chỗ, những cá nhân này phát bệnh và dương tính. Lúc đó, doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ đã trở thành “ổ dịch”. Câu chuyện mới nhất là ở VISSAN, công ty tuân thủ - 3 tại chỗ và sau đó phát hiện ra có 43 ca dương tính.

Phương án 3 tại chỗ đã khiến nhiều công ty trở thành ổ dịch mới mà báo chí đã nêu ra trong thời gian qua.

Vì lý do, "chúng tôi chọn an toàn" nên Tiền Giang đã có công văn số 4093/UBND-KT về việc tạm dừng các hoạt động doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án 3 tại chỗ. Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn tỉnh và thực tế phương án 3 tại chỗ của doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đều phát sinh nhiều ổ dịch. Như vậy, có thể thấy, phương án 3 tại chỗ không đảm bảo được mục tiêu kép - là vừa chống dịch vừa sản xuất nên Tiền Giang buộc phải tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.

Dù công văn 4093 do Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký ngày 29/7 và có hiệu lực từ ngày 5/8 nhưng ngay trong ngày 29/7, một doanh nghiệp ở tỉnh này cảm thấy quyết định này chưa phản ánh tình hình thực tế, vì thế, người đứng đầu doanh nghiệp này viết đơn “cầu cứu” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị giúp đỡ, có tiếng nói với Thủ tướng để được tiếp tục hoạt động theo phương án 3 tại chỗ.

“Đây thực sự là cú sốc lớn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã chi hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất 3 tại chỗ. Mỗi tháng còn chi phí thêm hàng chục tỷ đồng để giữ được chuỗi cung ứng, giữ chân người lao động, giữ khách hàng”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐTV của công ty Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức - đơn vị chuyên nuôi trồng, sản xuất cá tra và thực phẩm chế biến tại cụm công nghiệp Song Thuận (Châu Thành-Tiền Giang) nêu sự tình trong đơn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Đó không phải là công ty duy nhất ở Tiền Giang, cũng trong ngày 29/7, khi Tiền Giang ra công văn 4093 thì một công ty khác là Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang cũng có công văn số 2907/21/CV-FeedTG mà điểm gửi đến là Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid 19 cùng Bộ NN&PTNT với nội dung tương tư như công ty Vạn Đức là xin tiếp tục thực hiện phương án 3 tại chỗ.

Động thái tiếp theo của Bộ NN&PTNT như thế nào trước tình huống này?

Chúng ta cần phải chờ thêm thời gian, nhanh nhất là qua tuần sau nhưng qua đó cũng cho thấy, phương án “3 tại chỗ” đã khiến cho lãnh đạo chính quyền một số nơi lẫn doanh nghiệp đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong việc thực hiện hay không thực hiện.

Tự Phong

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/the-tien-thoai-luong-nan-cua-phuong-an-3-tai-cho-a5059.html