Liệu Apple có rời bỏ Trung Quốc để đến Việt Nam?

Apple thông báo tuyển dụng nhân sự, việc làm tại Việt Nam. Có thể nói, Apple dành những ưu tiên nhất định cho thị trường Việt Nam, nhưng trong thời gian ngắn, theo nhiều chuyên gia, rất khó để “Táo khuyết” rời Trung Quốc. Đã xuất hiện nhiều đồn đoán về kế hoạch mở rộng sản xuất hay những toan tính duy trì chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới Apple.

Apple tiếp tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam

Những ngày qua, trên trang chủ (website) của Apple đã đăng tải nhiều thông tin tuyển dụng loạt vị trí nhân sự, làm việc tại Việt Nam, trong đó, tập trung vào nhân sự kỹ thuật là chủ yếu. Thông tin tuyển dụng nhân sự, việc làm của Apple tại Việt Nam thu hút sự chú ý rất lớn từ truyền thông và dư luận.

screenshot-2021-07-26-at-172316-1627295036.png

Theo trang đăng tuyển nhân sự việc làm của Apple, hãng này đăng tải tuyển dụng 24 vị trí công việc, chủ yếu là các vị trí quản lý chất lượng cơ khí, kỹ sư phát triển máy ảnh, trưởng nhóm thiết kế module camera, quản lý chương trình kỹ thuật, quản lý cung ứng…

Nhân sự được tuyển dụng vào làm việc cho Apple cũng sẽ chỉ tập trung ở hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM

Apple có thực sự bỏ Trung Quốc để đến Việt Nam?

Tuyển nhân sự, Apple đang toan tính những gì ở Việt Nam? Thực tế, với một tập đoàn công nghệ lớn như Apple, tất cả các khâu tổ chức kinh doanh, sản xuất, tuyển dụng, vận hành đều rất phức tạp và mang tính bảo mật cao.

Các chuyên gia cho rằng, động thái tuyển dụng quy mô lớn, thu hút nhân công bằng chính sách lương ưu đãi này của Foxconn ở Trung Quốc là để chuẩn bị nhân lực tốt nhất phục vụ cho việc sản xuất iPhone số lượng lớn của Apple.

Ngoài Foxconn Trịnh Châu tuyển dụng rần rần người làm trong nhà máy sản xuất iPhone, Pegatron Thượng Hải (đơn vị OEM lớn của Apple) cũng tuyển dụng công nhân quy mô lớn lên tới hàng ngàn nhân sự mỗi ngay, tăng lượng công nhân làm kíp đêm, mức lương trung bình, theo IT Times tiết lộ, lên đến trên 10.000 nhân dân tệ (35,7 triệu VNĐ).

Mặc dù trước đó Apple rục rịch chuyển đi nhiều nhà máy và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ nhằm tránh sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng ở thị trường tỷ dân và né được các hệ lụy không mong muốn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên, dù các đối tác của Apple đã tốn hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở và kế hoạch mở rộng sản xuất ở những nơi khác ngoài Trun Quốc, đến nay, cuối cùng, Apple vẫn phải quay về Trung Quốc làm iPhone.

Nguyên nhân chính đến từ việc dịch bệnh Covid 19 bất ngờ bùng phát mạnh trở lại ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, các nhà máy ở Ấn Độ, Việt Nam đã phải dừng hoạt động do dịch bệnh, khiến tiến độ sản xuất, ra mắt iPhone của Apple bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ có sản xuất bị ngưng trệ, thách thức lớn khác đáng chú ý là các nhà máy sản xuất iPhone khác của Apple ngoài Trung Quốc cũng đòi hỏi chi phí vận chuyển vật liệu điện tử tăng vọt. Chi phí hậu cần từ nhà máy nguyên liệu ở Trung Quốc sang Ấn Độ cùng với việc các nhà máy bị giảm sản lượng nghiêm trọng do dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến Apple tiếp tục quay lại trung Quốc.

Cùng với đó, khả năng liên kết chuỗi giá trị mạnh mẽ của Trung Quốc cũng khiến Apple và đối tác “chần chừ” rời đi. Theo các chuyên gia, những thị trường mới như Việt Nam hay Ấn Độ, dù có lợi thế lao động rẻ, ổn định nhưng còn nhiều yếu tố chưa đáp ứng được chuỗi cung ứng của Apple, điển hình như thực tế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, chuỗi cung ứng toàn ngành chưa mạnh, chưa phong phú, chất lượng nhân công chưa cao…

Apple đang toan tính gì ở Việt Nam khi tuyển nhân sự nhiều vị trí?

Riêng đối với Việt Nam, Apple từng nhiều lần đăng thông tin tuyển dụng các vị trí kỹ sư, quản lý bán hàng và nhiều vị trí khác, đồng thời, cứ mỗi lần tuyển dụng như vậy đều rộ lên các thông tin cho rằng Apple có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Thực tế, cho đến nay, theo nhiều chuyên gia, việc mở rộng kinh doanh của Apple “là có” nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy hãng sẽ chuyển hẳn sản xuất sang Việt Nam như một cứ điểm sản xuất mới vững chắc hay thậm chí là mở một cửa hàng Apple Store tại thị trường Việt Nam như ở Singapore, Thái Lan trong khu vực.

Nhiều chuyên gia cùng với các đại lý lớn trong nước thời gian gần đây đều khẳng định Apple đang dành nhiều sự ưu tiên hơn cho thị trường Việt Nam, chẳng hạn như việc phối hợp cung ứng nguồn hàng, dành thời gian để họp với đại lý để tìm các phương án kinh doanh, cung ứng sản phẩm nhanh nhất đến với khách hàng.

Đối với việc tuyển dụng nhân sự lần này, nhiều người cho rằng, các vị trí tuyển dụng của Apple là để mở rộng hợp tác với các đối tác sản xuất của hãng ở Việt Nam.

Giới công nghệ cũng cho rằng, ưu tiên của Apple liên quan đến vấn đề sản xuất khi mà các dây chuyển sản xuất sản phẩm của Apple chuyển về Việt Nam ngày một nhiều.

Đồng thời, các nhân sự được tuyển dụng nhiều khả năng sẽ đảm nhiệm việc phối hợp, giám sát các đối tác cung ứng linh kiện và sản xuất sản phẩm Apple tại Việt Nam và Trung Quốc để tránh tình trạng đứt gãy cung ứng, dẫn đến khó khăn trong việc ra mắt sản phẩm của Apple, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay từ các yếu tố dịch bệnh đến xung đột thương mại.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp mang tính bảo mật cao như Apple, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở mức “phỏng đoán”.

Nhân sự Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của Apple?

Trao đổi về vấn đề Apple có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quang Trung từng đánh giá, điều này chứng minh cho sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn.

Ông Trung cũng nhấn mạnh, việc tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu của Apple nói riêng và các doanh nghiệp đòi hỏi chất lượng nguồn lao động cao là một vấn đề đặt ra hết sức cấp bách đối với Việt Nam ở thời điểm này.

Điều chuyên gia trăn trở là làm sao đáp ứng đủ nhân lực cho nhà đầu tư để phục vụ phát triển sản xuất là vấn đề đặt ra cấp thiết không chỉ ở cấp Trung ương mà địa phương.

Ông Lê Quang Trung thẳng thắn, thực tế, Apple tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực như phần mềm, điện tử. Ở Việt Nam, cũng có nhiều doanh nghiệp yêu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực này. Các trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian vừa qua từng bước đáp ứng yêu cầu lao động kỹ thuật có trình độ.

Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho rằng, thị trường lao động Việt Nam có những lao động đáp ứng được ngay, song cũng có những lao động có kiến thức cơ bản và cần đào tạo chuyên sâu.

Theo sputniknews

Nguyễn Thu

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/lieu-apple-co-roi-bo-trung-quoc-de-den-viet-nam-a4964.html