Dòng chảy

Câu chuyện về một bộ phận người Chăm Islam sinh sống cùng với người Kinh ở một chung cư ngay trong lòng Sài Gòn.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Dòng Chảy

Tác giả: Trần Trung Đức

 

Diện tích mặt nước khi lớn khi bé khác nhau tuỳ vào địa hình mà các dòng chảy đi qua, một số sẽ mắc lại đâu đó, thẩm thấu vào đất, hoặc mang theo những thứ từ những nơi đã đi qua. Dòng nước mỗi lúc, mỗi chỗ lại thay đổi khác nhau. Nhưng hễ còn nước, thì dòng chảy này vẫn tiếp tục mãi.

Ở một chung cư nằm ngay trong Sài Gòn, nơi một bộ phận người Chăm Islam (Hồi Giáo) sinh sống cùng với người Kinh, tồn tại một dòng chảy như vậy. Một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại, nối liền những cá thể với số phận, tính cách khác nhau trong cộng đồng Chăm. Dòng chảy liên kết, đem họ hoà nhập với những người Kinh cùng sinh sống trong chung cư, tác động và thay đổi đến cả những lề luật nghiêm khắc của Đạo Hồi. Có những nơi trũng mà dòng chảy bên trong mỗi cá thể, mỗi hộ gia đình, bị mắc lại. Họ, một mặt cố gắng thoát ra, mặt khác vẫn tiếp tục đấu tranh để giữ cho dòng chảy văn hoá cộng đồng mình tiếp tục.

Chung Cư nằm trong con hẻm trên đường Phan Văn Hân, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Năm 1995, cộng đồng Chăm Islam ở dọc ven sông Thị Nghè bị giải toả và được nhà nước cấp cho chung cư này. Ban đầu đa số các hộ ở đây là người Chăm, sau này dần dần họ mua nhà bên dưới hoặc trở về quê. Hiện tại chỉ còn lại khoảng 15 hộ, bên trong mỗi hộ thường là hai tới ba đời sống chung với nhau.
Ngay trên lầu 4, lầu cao nhất của chung cư là một Thánh Đường Hồi Giáo. Mỗi ngày 5 lần, tất cả đàn ông Chăm tới thánh đường làm lễ. Đàn bà cầu nguyện ở nhà, chỉ có tháng Ramadan mới được làm lễ ở thánh đường.
Gia đình ông Halim - Bà Kho, sống chung với vợ chồng người con và đứa cháu. Hai người đều đã hơn 70 tuổi và có nhiều bệnh tật. Họ vẫn hàng ngày chăm sóc nhau và chăm sóc đứa cháu khi con cái đi làm.
Cầu thang trong chung cư với những vật dụng của họ, như chiếc hộp kem này được gắn biểu tượng của Hồi Giáo.
Vợ chồng chú Vinh - cô Sâm Seh, lấy nhau được hơn 20 năm. Điều đặc biệt là chú Vinh người gốc Hoa, sau khi lấy cô Sâm Seh thì đổi đạo Hồi. Việc lấy người ngoài đạo, ngoài tộc là điều cấm kị và hiếm, ngay cả ở thời điểm hiện tại, nhưng riêng ở cộng đồng người Chăm ở đây thì đã xuất hiện khá nhiều. Con trai của cô chú năm ngoái cũng vừa lấy vợ là người Kinh đổi đạo.
Bên trong một căn hộ người Chăm điển hình trong chung cư. Không gian được chia nhỏ để nhiều đời chung sống với nhau.
Người phụ nữ Chăm điển hình, đang chuẩn bị cơm trưa cho gia đình với những món ăn truyền thống.
Một tấm vải bạt che nắng mưa ngoài hành lang, bên trên là những chữ Chăm, đã bị mục nát theo năm tháng.
Chị Nah và chồng cùng hai đứa con trai làm công việc bán hàng online. Chị không đội khăn che đầu như luật lệ dành cho phụ nữ Chăm truyền thống. Gia đình chị thường không làm lễ cầu nguyện hàng ngày mà chỉ dành thứ sáu. Chị nói vì công việc quá bận rộn.
Những dây phơi đồ của một gia đình Chăm, gồm những trang phục truyền thống xen lẫn những bộ quần áo bình thường như người Kinh hay mặc.
Những người Chăm và người Kinh thường có những sinh hoạt chung với nhau như tụ tập ăn trưa, nói chuyện ngoài hành lang của chung cư.
Cầu thang chung cư chụp từ lầu 4
Con trai của ông Cả - người lớn nhất trong chung cư, về thăm cha và tranh thủ thay quần áo đi hành lễ ở Thánh Đường chung cư.
Trên bức tường ở nhà xe chung cư. Một bên là tờ giấy với tiếng Chăm, một bên là thông báo mới bằng tiếng Kinh.
Gia đình chị Mary. Chị cũng là người lấy chồng người Kinh, sau đó có hai người con gái. Chị khoe với tôi tấm hình mặc đồ đi dự tiệc cưới của một người bạn. Ở nhà chị mặc đồ truyền thống, nhưng khi đi ra ngoài, đi chơi thì không.
Những chậu cây sau cơn bão chiều.
Ông Cả đã 85 tuổi bị bệnh nên cả ngày chỉ nằm trên giường. Cháu ngoại ông Cả đang nằm chơi điện thoại, sẵn sàng chăm sóc ông khi cần.
Nhưng tấm hình cũ và mới chụp mà những người trong khu chung cư đem ra xem lại.
Cô May Sâm - tổ phó chung cư. Cô có 5 người con trai, nhưng 3 đứa đã mất vì nghiện hút khi còn rất trẻ. Con trai lớn của cô đã ra ở riêng với gia đình, con trai nhỏ hơn đang học đại học Luật.
Gần 7.30, tiếng gọi mọi người tập hợp ở Thánh Đường để làm lễ lần cuối trong ngày.
Trẻ con thường bận đi học ban ngày nên buổi tuối mới theo người lớn đi học làm lễ.
Phụ nữ cũng đúng giờ là phải cầu nguyện ở nhà, một ngày 5 lần.
Sau khi làm lễ cuối ngày, lớp học tiếng Chăm và tiếng Kinh Koran được mở cho cả người lớn và trẻ nhỏ để không quên chữ dân tộc và đạo của mình. Dân ở đây thường rành tiếng Kinh hơn tiếng Chăm.
Hành lang của Thánh đường nhìn ra thành phố.



 



Bài và ảnh: Trần Trung Đức
Tạp chí nhà quản lý

vutuan

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dong-chay-a496.html