Quảng cáo trên Facebook, YouTube sẽ bị siết chặt hơn

Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google khi nhận được thông báo vi phạm luật pháp của Việt Nam từ Bộ Thông tin và Truyền thông phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/9. Đây là nội dung chính vừa được Chính phủ đưa ra trong Nghị định 70 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181 năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Theo Nghị định 70, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được xác định là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ở nước ngoài, cho người dùng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Vì thế, người kinh doanh dịch vụ, phát hành quảng cáo và người quảng cáo tham gia hoạt động cung cấp các dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

fg-1626922946.jpeg

Năm 2020, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước đạt 760 triệu USD, trong đó, Facebook và Google chiếm 67%, tương đương 512 triệu USD. Ảnh: NĐT

Nghị định 70 được xây dựng và ban hành theo đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông với mục đích siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook. Trong những năm qua, Google và Facebook là hai nền tảng chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam.

Một quy định khác của Nghị định 70 là yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần thông báo thông tin với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi hoạt động.

Cụ thể, các nền tảng xuyên biên giới cần thông báo tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở, địa chỉ đặt máy chủ hoặc đầu mối liên hệ tại Việt Nam 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có trách nhiệm gửi giấy xác nhận trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo.

Việt Nam cũng quy định các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cùng với đó, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.

Đối với người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm theo Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ.

Tuệ Nghi

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/quang-cao-tren-facebook-youtube-se-bi-siet-chat-hon-a4878.html