Tăng giá bán thực phẩm mùa dịch: Chịu chế tài gì ?

Thạc sỹ Luật sư Phạm Minh Hoàng, Công ty Luật TNHH Trilaw tư vấn pháp luật về chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá bán thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 .

tang-gia-1626879127.jpg
Ảnh minh họa

Mấy hôm nay, các báo mạng và mạng xã hội đưa nhiều tin liên quan đến việc hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh bị nghi ngờ tăng giá bán bất hợp lý trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo đó, có nhiều ý kiến cho rằng Bách Hóa Xanh đang tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu một cách bất hợp lý.

Cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra về vấn đề này và có nhiều kết luận, nhận định khác nhau.

Trong khi đó, người tiêu dùng chưa có đầy đủ thông tin cũng như nhận định đúng đắn về vấn đề này.

Vậy, nhìn từ góc độ pháp lý, thì quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, có nhiều văn bản khác nhau điều chỉnh vấn đề giá bán hàng hóa thiết yếu.

Văn bản điều chỉnh chủ yếu về vấn đề giá bán hàng hóa thiết yếu là Luật Giá số 11/2012/QH13 năm 2012, các nghị định hướng dẫn Luật Giá như Nghị định 177/2013/NĐ-CP, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Thông tư 31/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 109/2013/NĐ-CP, và Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (“BLHS”).

Theo các quy định trên, có thể tóm tắt về vấn đề giá bán hàng hóa thiết yếu như sau:

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải:

Ghi chú: Theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP thì không phải tất cả các mặt hàng thiết yếu được bày bán trong siêu thị đều phải kê khai hay đăng ký giá bán, mà chỉ có một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá như: Muối ăn; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Thóc, gạo tẻ thường thì mới buộc phải kê khai và đăng ký giá bán.

Vậy, như thế nào là tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý?

Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 31/2014 của Bộ Tài Chính thì, hành vi tăng giá bất hợp lý là hành vi tăng giá như sau:

  1. Tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai;
  2. Tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và yêu cầu đăng ký lại, kê khai lại mức giá theo quy định của pháp luật.

Các quy định trên có thể hiểu, để xác định một hành vi có phải là tăng giá bất hợp lý hay không cần xác định các yếu tố sau:

Đối chiếu với trường hợp của Bách Hóa Xanh, qua các thông tin đọc được trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi cho rằng có thể Bách Hóa Xanh có tăng giá bán, nhưng để khẳng định Bách Hóa Xanh có tăng giá bất hợp lý hay không cần phải kiểm tra đối chiếu đối với các tiêu chí nêu trên để xác định.

Hiện nay, với các thông tin hiện có, người tiêu dùng chưa đủ thông tin để xác định Bách Hóa Xanh có tăng giá bất hợp lý hay không.

Câu hỏi đặt ra là nếu có tăng giá bất hợp lý, thì cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa sẽ bị chế tài gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi tăng giá bất hợp lý có thể chịu các chế tài sau:

Phạt vi phạm hành chính:

Theo quy định tại Điều 17 và khoản 3 Điều 5 Nghị Định 109/2013/ND-CP, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, thì chịu mức phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/ND-CP, mức phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm là gấp 02 lần đối với mức phạt áp dụng đối với cá nhân.

Như vậy, có thể hiểu, nếu có hành vi tăng giá bán thực phẩm bất hợp lý trong mùa dịch, cá nhân có thể sẽ bị phạt hành chính đến 30 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 60 triệu đồng.

Chịu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến hành vi tăng giá bán bất hợp lý, nếu cơ quan nhà nước điều tra và nhận thấy có đủ cơ sở kết luận có hành vi cố tình tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình dịch bệnh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế nhằm mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì cá nhân, tổ chức đó có thể bị xử lý hình sự theo Điều 196 BLHS về Tội đầu cơ.

Cụ thể như sau:

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặphạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm, khi bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ, cá nhân có thể bị phạt tiền đến 05 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 15 năm, pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 09 tỷ đồng.

Trên đây là các quy định của pháp luật về hành vi tăng giá bán thực phẩm mùa dịch.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nêu trên, xin vui lòng liên hệ lại TriLaw theo thông tin sau: Công ty luật TNHH TriLaw, Ls. Phạm Minh Hoàng (email: hoang.minh@trilaw.com.vn).

Luật sư Phạm Minh Hoàng

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tang-gia-ban-thuc-pham-mua-dich-chiu-che-tai-gi-a4876.html