Việc cổ phần hoá ACV đã tước bỏ quyền sở hữu của công ty này với hạ tầng khu bay, mà giao cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Hạ tầng khu bay bao gồm đường băng và đường lăn. Hiện tại hai sân bay lớn nhất là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đang quá tải do mỗi sân bay chỉ có hai đường băng gần nhau (cách nhau dưới 370 mét) - không thể vận hành song song.
Theo Bộ GTVT, việc cổ phần hoá ACV năm 2015 đã gây khó khăn trong việc bảo trì, đầu tư, nâng cấp hạ tầng hàng không. Hiện các đường băng, đường lăn tại các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã vượt công suất thiết kế ban đầu, do vậy cần được đầu tư nâng cấp. Số vốn trung hạn cần cho việc sửa chữa nâng cấp các đường cất hạ cánh và đường lăn đang quá tải, ước tính trên 4.200 tỉ đồng, theo báo cáo của Bộ GTVT.
ACV là đơn vị độc quyền khai thác hệ thống cảng hàng không dân dụng trên khắp cả nước. Trước tình hình thị trường hàng không bùng nổ với hàng loạt hãng bay mới được cấp phép và chờ được cấp phép, ACV có một kỳ kinh doanh tốt đẹp với doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, đạt trên 8.900 tỉ đồng. ACV cũng là một trong những doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn dồi dào nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với trên 29 nghìn tỉ đồng tính đến hết quý II.2019.
Trong tình hình trước mắt ngân sách đang khó khăn, Bộ GTVT đề xuất đến năm 2025 vẫn giao ACV quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, sau đó giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không quản lý và sử dụng.
Sau hơn ba năm cổ phần hoá, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang được Bộ GTVT đề xuất quay lại mô hình doanh nghiệp Nhà nước bằng việc mua lại toàn bộ cổ phần của công ty.
Kiến nghị được đưa ra trong đề án Quản lý sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý mà Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ mới đây. Nếu được thông qua, đây sẽ là trường hợp đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam một doanh nghiệp nhà nước (100% thuộc sở hữu nhà nước), sau cổ phần hoá, lại quay trở lại hình thức doanh nghiệp nhà nước trước đó.
Trên thực tế, sau ba năm cổ phần hoá, số lượng cổ phần Nhà nước mà Bộ GTVT là đại diện nắm giữ tại ACV vẫn hơn 95%, có quyền quyết định hầu hết mọi vấn đề liên quan đến kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. ACV mặc dù là công ty cổ phần, vẫn được coi là một đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT. Gần 5% cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài không có tiếng nói đáng kể trong các quyết định của công ty
Hồi tháng Bảy, nguyên phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị xem xét kỷ luật do liên quan đến việc cổ phần hoá ACV trong khi công ty này không thuộc đối tượng cổ phần hoá.
Tính theo giá hiện hành của cổ phiếu ACV, nếu muốn mua lại gần 5% cổ phần từ các cổ đông nhỏ, Nhà nước phải bỏ ra khoảng 8.000 tỉ đồng, gấp 5 lần số tiền Nhà nước đã thu về từ cổ phần hoá ACV. Tuy nhiên, trong trường hợp mua lại cổ phần, Nhà nước có thể thoả thuận với các cổ đông thay vì mua lại trên thị trường theo giá hiện hành.
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/de-xuat-nha-nuoc-mua-lai-toan-bo-co-phan-tong-cong-ty-cang-hang-khong-viet-nam-a481.html