TP.HCM: Siết chặt không để sốt giá, lập đề án phát triển nhà ở thương mại cho người có thu nhật thấp

Thành phố đưa ra giải pháp nhà ở cho người có thu nhập thấp: Bố trí quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để triển khai đầu tư xây dựng, sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý để đầu tư dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, tạo quỹ đất sạch dọc các trục giao thông công cộng, đặc biệt các tuyến metro, tuyến vành đai để làm dự án nhà ở xã hội

Phân khúc căn hộ bình dân, nhà ở xã hội có nhu cầu mua để ở thực lại rất khan hiếm.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 14 dự án với gần 12.000 căn, trong đó phân khúc cao cấp chiếm hơn 7.000 căn (58,92%), còn lại là phân khúc trung cấp. Tổng giá trị cần huy động vốn gần 900.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, mặc dù giữ nguyên số dự án đủ điều kiện huy động vốn, nhưng trong nửa đầu năm 2021 đã ghi nhận tốc độ tăng 161,5% về số lượng nhà ở, trong đó phân khúc cao cấp tăng 122,57%, trung cấp tăng 294,85%, trong khi không có dự án căn hộ bình dân.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi Quốc hội về Đề án Phát triển nhà ở thương mại giá thấp, Bộ Xây dựng đã nêu, nhiều năm qua có sự lệch pha cung - cầu do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ quan tâm đầu tư các dự án nhà ở thương mại theo giá thị trường, phục vụ cho các đối tượng có thu nhập cao, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp dành cho các đối tượng thu nhập trung bình và thấp.

siet-chat-khong-de-sot-gia-1-1626705275.jpg
ảnh minh họa

Bộ Xây dựng cũng cho biết, cơ quan này đã xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó tập trung vào một số ưu đãi về đất đai (được giảm tiền sử dụng đất, được chậm nộp tiền sử dụng đất), thuế (giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp), quy hoạch và bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư xây dựng, cơ chế huy động vốn... và gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thành phố phải đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách. Rà soát bố trí quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý để đầu tư dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, cũng như tạo quỹ đất sạch dọc các trục giao thông công cộng, đặc biệt các tuyến metro, tuyến vành đai để làm dự án nhà ở xã hội.

Siết chặt không để diễn ra tình trạng sốt giá

Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, chưa nghiệm thu chất lượng công trình.

Đánh giá, điều chỉnh bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh Bất động sản.

Đồng thời, tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội (nhà ở người có công với cách mạng; nhà ở người thu nhập thấp khu vực đô thị; nhà ở công nhân khu công nghiệp…) trên địa bàn Thành phố.

siet-chat-khong-de-sot-gia-1626705319.jpg
ảnh minh họa

Tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trường hợp các dự án nhà ở sinh viên khai thác không hiệu quả, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, hướng dẫn UBND TP. Thủ Đức, UBND quận, huyện tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn theo đúng quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, có vi phạm về quản lý sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà.

UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận, huyện được giao theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá Bất động sản trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

 

 

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tphcm-siet-chat-khong-de-sot-gia-lap-de-an-phat-trien-nha-o-thuong-mai-cho-nguoi-co-thu-nhat-thap-a4793.html