Đưa Revolut trở thành fintech giá trị nhất nước Anh, Nikolay Storonsky trở thành tỷ phú với giá trị tài sản hơn 7 tỷ USD

Việc huy động vốn thành công 800 triệu USD đưa người sáng lập người Nga Nik Storonsky trở thành tỷ phú nước Anh với giá trị tài sản 7,1 tỷ USD và đứng thứ 2378 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới, theo Forbes.

Revolut được biết đến là một trong những “kỳ lân” trong vực ngân hàng số đầu tiên ở Anh, được thành lập 6 năm trước bởi nhà sáng lập người Nga, Nikolay Storonsky. Thời điểm đó, sự ra đời của Revolut ngay lập tức đáp được nhu cầu ứng dụng kỹ thuật số hoàn toàn trực tuyến, không phòng giao dịch, không chi nhánh ngân hàng tại châu Âu và góp phần cắt giảm áp lực cho các hệ thống ngân hàng truyền thống trong nước.

Trước khi thành lập Revolut, Nikolay Storonsky từng là giao dịch viên tại Lehman Brothers – Tập đoàn chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ. Năm 2008, sau thời gian làm việc tại Lehman Brothers, Storonsky quyết định chuyển tới Credit Suisse - Ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ.

revolut-1626493600.png
Nikolay Storonsky - nhà đồng sáng lập, CEO của Revolut

Theo thông báo của chính thức của Revolut, ngày 15/7 vừa qua, công ty vừa huy động thành công 800 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư, gồm quỹ Vision Fund 2 của SoftBank và Tiger Global, với định giá ở mức 33 tỷ USD.

Sau khi gọi vốn thành công, Revolut trở thành startup fintech có giá trị nhất nước Anh. Đồng thời, người sáng lập 37 tuổi - Nik Storonsky sở hữu hơn 20% cổ phần của công ty (tương đương 7,1 tỷ USD) chính thức trở thành tỷ phú nước Anh và đứng thứ 2378 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới, theo Forbes. Tài sản của Storonsky đã tăng từ mức 1,1 tỷ USD (tháng 4/2020) lên 7,1 tỷ USD (tháng 7/2021).

Định mức giá trị của Revolut đã tăng 500% kể từ khi đạt mức 5,5 tỷ USD vào tháng 2/2020. Tuy số lượng người dùng Revolut tiếp tục tăng mạnh nhưng khoản lỗ năm 2020 không giảm, ngược lại tăng lên 57% và vượt qua mức doanh thu 307 triệu USD.

Năm 2019, “kỳ lân” Revolut thông báo lỗ 148 triệu USD trên mức doanh thu 229 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc công ty của Nik Storonsky tiếp tục đốt tiền để theo đuổi tăng trưởng số lượng khách hàng.

revolut2-1626493802.jpg
 

Trong thông cáo báo chí mới đây, Storonsky chia sẻ “Chúng tôi muốn ứng dụng toàn cầu của Revolut mang đến cho khách hàng các giá trị tốt gấp 10 lần, dịch vụ và bảo mật tốt gấp 10 lần những gì họ có được ở bất kỳ nơi nào khác”. Ngoài ra, người sáng lập của Revolut cho rằng các khoản vốn và đầu tư mới là sự ủng hộ của các nhà đầu tư cho sứ mệnh của Revolut trong việc tạo ra một siêu ứng dụng tài chính toàn cầu, cho phép khách hàng quản lý tất cả nhu cầu tài chính của họ thông qua một nền tảng duy nhất.

Nhà đầu tư cấp cao tại SoftBank - Karol Niewiadomski cho biết tốc độ phát triển của Revolut đã quy định lại vai trò của các dịch vụ tài chính và đưa công ty này lên vị trí đứng đầu trong lĩnh vực neobank - ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn trực tuyến, không có phòng giao dịch, không có chi nhánh ngân hàng. Đây được coi là lĩnh vực chưa được chú ý và còn phát triển còn kiêm tốn ở châu Âu.

Cơ sở dữ liệu người dùng của Revolut ngày càng lớn cho thấy người dùng có nhu cầu rất cao với các dịch vụ tại công ty này. Nik Storonsky cho biết họ đang lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để phát triển các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng tại Mỹ, đồng thời tìm cơ hội để thâm nhập vào thị trường Ấn Độ và quốc tế khác.

Rishi Sunak - Bộ trưởng Tài chính Anh, nhận định rằng: “Việc Revolut huy động được thêm 800 triệu USD và có kế hoạch phát triển hơn nữa là một tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi thực sự mong muốn được biết thêm nhiều câu chuyện thành công của các fintech khác tại Anh giống như Revolut”.

Việc Revolut huy động vốn thành công 800 triệu USD đã đưa Storonsky ngang hàng với những nhà sáng lập của Stripe, Klarna và Checkout.com với tư cách là những tỷ phú fintech. Đồng nghĩa, Revolut là ngân hàng số hoàn toàn đầu tiên của Anh tạo ra tỷ phú và giúp Storonsky trở thành một trong những doanh nhân có khối tài sản ròng tăng lên lớn nhất kể khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 4/2020, tài sản của Storonsky là 1,1 tỷ USD, và hiện tại là 7,1 tỷ USD, theo Forbes.

Tốc độ tăng trường mạnh của Revolut đã thu hút không ít các nhà đầu tư, trong đó có SoftBank và Tiger Global. Giữa năm 2019 và 2020, số lượng người dùng dịch vụ ngân hàng cá nhân của Revolut tăng từ 10 triệu người lên 14,5 triệu người, trong khi khách hàng doanh nghiệp tăng hơn 2 lần, từ 220.000 người lên 500.000 người.

Năm ngoái, Revolut được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng ở Lithuania và sau đó là ở Ba Lan. Đây là khởi đầu vững chắc giúp Revolut mở rộng quy mô và được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ngân hàng trên khắp châu Âu.

Hiện nay, chi phí cho nhân sự được coi là thách thức lớn nhất mà Revolut phải đối mặt. Cụ thể, tổng chi phí cho nhân sự tăng từ 82 triệu USD năm 2019 lên 235 triệu USD năm 2020. Năm ngoái, chi phí cho nhân sự chiếm tới 74% tổng doanh thu của “kỳ lân” này. Revolut coi đây là một vấn đề tài chính lớn khó có thể được giải quyết, do đó, tháng 4/2020, công ty tuyên bố với nhân viên rằng họ đã mất động lực hoạt động và ngày càng suy yếu.

Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục chảy vào Revolut như một xu hướng toàn cầu. Đầu tháng 7, Crunchbase cho biết số vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 288 tỷ USD, tăng gần 110 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Làn sóng đầu tư lớn cùng với sự nổi lên của nhiều fintech đã tạo ra thêm một số tỷ phú mới trong lĩnh vực này ở châu Âu. Điển hình là nhà đồng sáng lập của Wise - Kristo Käärmann và Taavet Hinrikus, nhà sáng lập của Checkout.com - Guillaume Pousaz, hai nhà đồng sáng lập của Klarna Sebastian Siemiatkowski và Victor Jacobsson.

Theo Forbes

Minh Anh

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dua-revolut-tro-thanh-fintech-gia-tri-nhat-nuoc-anh-nikolay-storonsky-tro-thanh-ty-phu-voi-gia-tri-tai-san-hon-7-ty-usd-a4784.html