Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo gần 445 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 20/7 với mã VAB.
Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên của VAB là 13.500 đồng/cp, tương đương với vốn hóa ban đầu là hơn 6.000 tỷ đồng. Mức vốn hóa này tương đương PG Bank và VietBank.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM là một bước đi chiến lược nhằm tối ưu lợi thế về quảng bá thương hiệu, nâng cao khả năng tài chính cũng như minh bạch hóa thông tin.
Đây là ngân hàng thứ 27 đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường chứng khoán tập trung. Gần nhất, hơn 1,2 tỉ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 24/3.
Nếu loại trừ 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc (OceanBank, CBBank, GPBank) và Dong A Bank bị kiểm soát đặc biệt thì chỉ còn 3 ngân hàng cổ phần chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường tập trung là BaoVietBank, SCB và PVcombank.
VietABank không có cổ đông nước ngoài, Chủ tịch và đơn vị liên quan đang sở hữu ít nhất 17% vốn
Theo bản công bố thông tin, tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có 1.913 cổ đông và toàn bộ đều là cổ đông trong nước. Trong đó, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức nắm giữ 32,16% vốn và 1.879 cổ đông cá nhân sở hữu 64,1%.
Không có cổ đông nước ngoài giúp ngân hàng này có dư địa rất lớn để phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược cũng như tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu khi lên giao dịch tại thị trường tập trung.
VietABank có hai cổ đông lớn là là CTCP Rạng Đông và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 7,35% và 12,21%.
Hội đồng quản trị của VietABank gồm 6 người gồm Chủ tịch Phương Hữu Việt, Phó Chủ tịch Phan Văn Tới, 4 thành viên là ông Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Văn Trọng và Phương Thanh Long.
Trong đó, ông Phương Hữu Việt là lãnh đạo sở hữu nhiều cổ phần nhất tại ngân hàng với hơn 20,2 triệu đơn vị, tương ứng với 4,55% vốn điều lệ. Ngoài ra, ông Việt cũng được biết tới là người sáng lập và sở hữu CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương – cổ đông lớn nhất của VietABank.Ngoài ra, bà Lương Thị Linh – chị dâu của ông Việt hiện sở hữu gần 1,06 triệu cổ phiếu, tương đương 0,237% vốn.
Như vậy, riêng Chủ tịch Phương Hữu Việt và cá nhân, đơn vị liên quan đang sở hữu ít nhất 17% vốn của VietABank.
Phó Chủ tịch Phan Văn Tới hiện không sở hữu cá nhân cổ phiếu VAB tuy nhiên ông đang đại diện cho CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (CCI – HOSE) sở hữu gần 9 triệu cổ phần Viet A Bank, tương đương xấp xỉ 2% vốn.
Ông Trần Tiến Dũng – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc nắm giữ hơn 4,5 triệu cổ phiếu VAB, tương đương hơn 1% vốn ngân hàng.
3 Thành viên HĐQT còn lại đều không sở hữu cổ phiếu VAB. Trong đó, ông Phương Thanh Long – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc là con trai thứ của ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai Chủ tịch Phương Hữu Việt).
Trong ban điều hành VietABank, ngân hàng vẫn để trống vị trí Tổng giám đốc sau khi miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo từ ngày 1/7/2020. Hiện ban tổng giám đốc của ngân hàng có 6 thành viên do ông Nguyễn Văn Trọng phụ trách điều hành.
VietABank đang kinh doanh như thế nào?
VietABank được thành lập vào tháng 6/2003 với số vốn ban đầu là gần 76 tỷ đồng. Trải qua 18 đợt tăng vốn, vốn điều lệ của ngân hàng hiện tại đã tăng lên 4.450 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, VietABank đã đạt được những kết quả kinh doanh tương đối tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, lợi nhuận của SeABank tăng 3,3 lần, đạt hơn 407 tỷ đồng vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong 3 năm qua đạt 49,5%.
Cũng trong giai đoạn này, tổng tài sản của VietABank tăng trưởng với tốc độ bình quân là 10,3%/năm, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,22%/năm, số dư tiền gửi khách hàng tăng 19,9%/năm.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 86.529 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng ở mức 48.379 tỷ đồng, tăng 13,5%. Tiền gửi khách hàng đạt 59.272 tỷ đồng, tăng 25%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3%.
Trong năm nay, Viet A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 658 tỷ đồng, tăng 61% so với năm trước. Tổng tài sản ước đạt 97.075 tỷ đồng, tăng 12%; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 66.150 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 5.400 tỷ đồng.
Hết quý I/2021, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2020. Tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 77.025 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng gần 50.510 tỷ đồng; số dư tiền gửi khách hàng hơn 63.000 tỷ đồng.
Diệu Quang