Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, năm 2021, hãng xây dựng kế hoạch mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020, giữ vững vị thế chủ lực của Vietnam Airlines Group trong ngành hàng không, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số.
Thời gian này, Vietnam Airlines đặt ưu tiên hoàn thành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, ngày 7/7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 8.000 tỷ đồng như đề cập ở trên.
"Nguyên tắc chung của Vietnam Airlines trong việc sử dụng 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh", đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Đây không phải lần đầu, hãng hàng không quốc gia phải cần đến sự hỗ trợ về tài chính. Cụ thể, vào tháng 11/2020, Quốc hội đồng ý giải cứu Vietnam Airlines bằng việc cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Trả lời câu hỏi của đại diện cổ đông liệu năm 2021 có đề xuất thêm hỗ trợ nào đối với hãng, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết gói 12.000 tỷ đồng chỉ là hỗ trợ để đảm bảo hoạt động SXKD trong năm 2020. Trong năm 2021, các cơ quan cấp trên đang có giải pháp hỗ trợ toàn bộ cho ngành hàng không như giảm 50% phí cất hạ cánh điều hành bay, giảm 30% phí bảo vệ môi trường.
Vũ Hạ
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/co-dong-vietnam-airlines-chot-phuong-an-phat-hanh-co-phieu-de-tang-von-8000-ty-dong-a4730.html