GDP tăng 5,64%: Phản ánh sát thực bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm

đại dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, kéo dài đến nay đã một năm rưỡi, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, GDP 6 tháng đầu năm vẫn tăng 5,64%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP khá

Trước băn khoăn liệu có sự bất thường nào về số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt khá (5,64%) dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định con số trên phản ánh sát thực bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm. Đồng thời, bà cũng đưa ra những căn cứ từ kết quả thực tiễn, động lực tăng trưởng, cũng như phân tích rõ phương pháp biên soạn, cách tính GDP để giải thích cặn kẽ cho vấn đề này.

 

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương và khu công nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động lên đến con số 70.200 doanh nghiệp nhưng theo công bố gần đây của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm vẫn tăng 5,64%. Có không ít ngạc nhiên, thậm chí còn băn khoăn liệu có sự bất thường nào về con số này. Tổng cục Thống kê lý giải ra sao, thưa bà?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Có thể nói, đại dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, kéo dài đến nay đã một năm rưỡi, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, GDP 6 tháng đầu năm vẫn tăng 5,64%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP khá, có thể lý giải như sau:

Thứ nhất, bình quân 6 tháng đầu năm của giai đoạn 2017-2020, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động hơn 52.000 doanh nghiệp. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động khoảng 70.000, tuy cao hơn bình quân 6 tháng giai đoạn 2017-2020 nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có số vốn dưới 10 tỷ đồng với khả năng chống chịu thấp, đóng góp không đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm nay hơn 67.000 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký hơn 942.000 tỷ đồng, tăng 34,3% so cùng kỳ năm trước.  Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới 6 tháng đầu năm 2021 đạt con số ấn tượng với 9,55 tỷ USD, tăng 13,2% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm đạt gần 1.170 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 214.000 tỷ đồng, tăng 6,7 % so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ ba, trong 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng ấn tượng đạt 11,42%, đóng góp trên 50% vào mức tăng chung; biểu hiện qua trị giá xuất khẩu hàng hóa (chủ yếu là hàng hóa của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) 6 tháng ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%.

Thứ tư, mức tăng trưởng GDP 5,64% của 6 tháng đầu năm nay thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019, chỉ cao hơn mức 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 (năm đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 ở Việt Nam).

Dựa trên những kết quả đạt được và công tác thống kê được thực hiện minh bạch, kỹ càng, chúng tôi khẳng định, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64% phản ánh sát thực bức tranh kinh tế của nước ta. Đây là một kết quả hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và chính xác, không có gì bất thường.

Để khẳng định thêm về con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, xin bà phân tích cụ thể hơn về những động lực cho sự tăng trưởng?

Tông Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong mức tăng 5,64% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Một số kết quả đạt được của các ngành như sau:

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Ngành chế biến, chế tạo đã lấy lại đà tăng trưởng và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng ở mức 11,42%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020, đóng góp hơn 50% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng khá, tăng gần 8,2%, cao hơn với mức tăng 3,5% cùng kỳ năm trước.

Một số ngành dịch vụ duy trì đà tăng trưởng, trong đó, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, ngành tài chính-ngân hàng tăng gần 9,3% so với cùng kỳ; ngành y tế với mọi nguồn lực được tập trung cho việc chống dịch, tăng khoảng 10,5%; ngoài ra một số ngành vẫn có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2020 như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 5,63%; thông tin và truyền thông tăng hơn 5,2%; ngành giáo dục và đào tạo tăng gần 6,2%.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 317 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng rất cao so với những năm gần đây (cùng kỳ năm trước giảm 1,5%), trong đó xuất khẩu đạt 157,6 tỷ USD, tăng 28,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 159 tỷ USD, tăng 36,1%. Trong kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 94%.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 775.000 tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 18% so với cùng kỳ.

Có thông tin cho rằng, nếu căn cứ số liệu GDP theo tiêu dùng sẽ không có tăng trưởng 5,64% vì so với cùng kỳ năm trước, tiêu dùng 6 tháng năm nay thấp hơn, tích lũy tương đồng và lại nhập siêu. Bà có bình luận gì về thông tin này?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Hệ thống Tài khoản quốc gia của Thống kê Liên Hợp Quốc đưa ra 3 phương pháp biên soạn tổng sản phẩm trong nước (GDP), bao gồm: Phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang biên soạn và công bố GDP theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng theo quý và năm. GDP theo phương pháp thu nhập được tính toán và công bố 5 năm một lần khi có đầy đủ các nguồn thông tin từ tổng điều tra và điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành.

Phương pháp sản xuất: Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm;

GDP

=

Giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế

+

Thuế sản phẩm

-

Trợ cấp sản phẩm

Phương pháp thu nhập: Tổng sản phẩm trong nước bằng thu nhập tạo nên từ các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất như lao động, vốn, đất đai, máy móc. Theo phương pháp này, tổng sản phẩm trong nước gồm 4 yếu tố: (1) Thu nhập của người lao động từ sản xuất (bằng tiền và hiện vật); (2) Thuế sản xuất; (3) Khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất; (4) Thặng dư sản xuất.

GDP

=

Thu nhập của người lao động từ sản xuất

+

Thuế sản xuất

+

Khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất

+

Thặng dư sản xuất

Phương pháp sử dụng (chi tiêu): GDP là tổng cầu cuối cùng của nền kinh tế, gồm: Tiêu dùng cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và Nhà nước); tích lũy tài sản (bao gồm tích lũy tài sản cố định, lưu động và quý hiếm) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

GDP

=

Tiêu dùng cuối cùng

+

Tích lũy tài sản

+

Chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

Số liệu GDP hằng quý và cả năm được biên soạn đồng thời theo hai phương pháp là phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng. Trong đó, phương pháp sản xuất là phương pháp chính do nguồn thông tin thu thập từ sản xuất thường chính xác, đầy đủ hơn so với nguồn thông tin về cầu phục vụ cho biên soạn GDP theo phương pháp sử dụng.

Việc tính GDP theo 2 phương pháp và từ các nguồn thông tin khác nhau (từ phía sản xuất và từ phía tiêu dùng) thì kết quả sẽ không hoàn toàn trùng khớp nhau. Kết quả biên soạn GDP từ phương pháp sử dụng có thể cao hơn hoặc thấp hơn kết quả được biên soạn theo phương pháp sản xuất và phần chênh lệch này được đưa vào sai số (theo quy định tỷ lệ sai số cho phép trong khoảng +/-5%).

Từ phía cung, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% trên nền 6 tháng cùng kỳ năm 2020 tăng trưởng rất thấp chỉ đạt 1,82% và nhiều ngành kinh tế đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ do tận dụng được những điều kiện thuận lợi trong sản xuất như: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 3,82%); ngành công nghiệp (trừ ngành khai khoáng) vẫn tăng trưởng khá; đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,42%. Trong khu vực dịch vụ, nhiều ngành cũng duy trì mức tăng trưởng tốt như: các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,27%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10,47%; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa... tăng 5,63%.

Nhìn từ phía cầu, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% cao hơn mức tăng gần 0,7% cùng kỳ 2020;  tích lũy tài sản tăng 5,67% cao hơn mức tăng 1,93% cùng kỳ 2020; xuất khẩu tăng 24,5% (cùng kỳ giảm 0,31%), nhập khẩu tăng 22,76% (cùng kỳ giảm 2,5%). Như vậy tiêu dùng và tích luỹ 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh, tăng 32,2%, trong đó gần 94% trị giá hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất, phục vụ sản xuất trong nước.

Bà dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Theo tôi, tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào kết quả kiểm soát dịch bệnh. Tổng cục Thống kê cập nhật kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 vào kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 như sau:

Kịch bản 1: Để đạt được kết quả tăng trưởng cả năm 2021 đạt 6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP, 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2%. Đây là mục tiêu rất khó khăn trong tình hình hiện nay, khi các tỉnh trọng điểm kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Kịch bản 2: Đối với mục tiêu trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%, 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%. Nếu khống chế được dịch bệnh sớm và quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ có khả năng đạt được mục tiêu này.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đạt được mục tiêu kép cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội ở mức cao nhất.

Minh Ngọc

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/gdp-tang-564-phan-anh-sat-thuc-buc-tranh-kinh-te-6-thang-dau-nam-a4677.html