Nợ xấu có khả năng tăng theo diễn biến dịch bệnh
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong số 530.000 tỷ đồng nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng phối hợp xử lý giai đoạn trước đây, số nợ xử lý theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) lên tới 350.000 tỷ (chỉ riêng giai đoạn từ 15/8/2017 đến 30/4/2021).
Nghị quyết 42/2017/QH14, đã giúp các tổ chức tín dụng và VAMC xử lý nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Nghị quyết 42/2017/QH14 với các cơ chế đặc biệt về xử lý nợ xấu chỉ áp dụng với các khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017. Còn với nợ xấu hình thành từ ngày 15/8/2017 đến nay, các ngân hàng vẫn phải xử lý theo trình tự thủ tục thông thường. Đáng lưu ý, nợ xấu do Covid-19 đang có dấu hiệu tăng mạnh.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, nợ xấu của các ngân hàng tăng nhẹ, với tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng đang niêm yết đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31-3-2021, tăng 3.948 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ 0,02% lên 1,41%.
Trong tổng số các ngân hàng đang niêm yết, có 17 ngân hàng tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình 0,05-0,1%. Đáng chú ý là Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tăng 0,32%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 0,26% và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tăng 0,19%. VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 3,5%, tăng 0,05% so với cuối năm trước.
Tuy nhiên, sự ra đời Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 17-5-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được đánh giá là sẽ giúp ngân hàng, cũng như doanh nghiệp giảm gánh nặng về nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh thông tư 03 phù hợp với tình hình thực tế
Các chuyên gia nhận định, nợ xấu có nguy cơ tăng cao khi dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, nhất là đợt dịch bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 đến nay. Dịch bệnh tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả nợ vay ngân hàng.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp đã phải đóng cửa dừng hoạt động, khiến áp lực nợ xấu tăng lên. Dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay, song nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Do vậy, ngân hàng vẫn phải đối diện thách thức nợ xấu tăng lên từ trong năm nay và cả năm tới.
Do đó, ngân hàng cần tiếp tục chủ động phân loại nợ và trích lập dự phòng theo thực tế đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tránh cú sốc nợ xấu tăng vọt khi tới thời hạn phân loại nợ. Các ngân hàng nên có chính sách thẩm định tài sản bảo đảm cho phù hợp, thận trọng để hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu mới phát sinh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách căn cứ trên tình hình thực tế, do đó, ngân hàng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng, bởi nếu sau khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn khó khăn, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Thiên Kim
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/no-xau-ngan-hang-co-dau-hieu-tang-manh-do-dien-bien-phuc-tap-cua-dich-covid-19-a4657.html