Thắng Đan Mạch ở trận bán kết EURO 2020, tuyển Anh trở thành “thợ lặn"

Trong trận bán kết thứ hai của giải bóng đá vô địch châu Âu - Euro diễn ra rạng sáng 8/7, đội England (nước Anh nhỏ nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh – UK) thắng Đan Mạch 2-1 tại sân vận động Wembley của Anh nhỏ. Phút 102, tiền đạo Raheem Sterling của Anh đột phá vào vòng cấm địa Đan Mạch và té ngã, trọng tài chỉ vào chấm phạt đền. Phía Đan Mạch phản ứng dữ dội nhưng trọng tài không thay đổi quyết định.

Kết quả thì nhiều người đã biết, đội trưởng Harry Kane của Anh ấn định chiến thắng 2-1 từ pha phạt penalty này và đưa Đan Mạch về nước, chấm dứt giấc mơ giành chức vô địch châu Âu như câu chuyện được xứ sở truyện cổ Andersen tạo ra tại Euro 1992 cách đây 29 năm.

Khoảnh khắc tiền đạo số 10 té ngã đó, công nghệ VAR cho thấy dường như Sterling đóng kịch để kiếm phạt đền. VAR và các hình chụp pha ngã đó cho thấy cử động của Sterling giống như một thợ lặn (xem ảnh), và rất nhiều ý kiến cho rằng trọng tài đã tặng cho “Tam Sư” chiến thắng này để trận chung kết Anh - Ý cũng tại sân Wembley sẽ thu hút hơn nhiều so với khi Đan Mạch gặp Ý; nhờ đó thành công của cả giải Euro này sẽ lớn hơn nhiều.

lan-1625758255.jpeg

Lịch sử thế giới ghi nhận Anh - England là nơi bóng đá ra đời, nên nơi đó được xem là quê hương (home) của môn này. Năm 1996, cũng tại kỳ Euro năm đó, bài hát “Football’s going home” (Bóng đá đang trở về quê hương) được sáng tác bởi David Baddiel, Frank Skinner cùng ban nhạc rock Lightning Seeds để cổ vũ cho đội bóng con cưng của họ, và bài hát trở nên rất phổ biến tại quê hương của môn bóng đá.

Và ngay sau trận bán kết sáng 8/7, tựa bài hát được ưa thích đó đã được “nhạc chế” thành “Football’s diving home”: thay “going” bằng “diving” (động từ dive: lặn) để ám chỉ Anh - England thắng nhờ “Sterling lặn”.

so-10-1625758302.jpeg
Pha đi bóng mang về quả phạt 11m của tiền đạo tuyển Anh không thuyết phục được CĐV Đan Mạch. 

Tuy nhiên, dù “Bóng đá đang trở về quê hương” hay “Bóng đá đang lặn về quê hương”, Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA cũng cảm thấy mừng hơn vì trận chung kết tại Wembley của “cái nôi bóng đá” không phải là trận Đan Mạch - Ý. Bởi vì độ nóng của trận Anh - Ý sẽ cao hơn thấy rõ. Nước Anh – England đang mong chức vô địch châu Âu lần đầu tiên ngay tại thánh địa Wembley của họ.

Cũng cần nói thêm, một ví dụ khá thú vị, đó là Vương quốc Liên hiệp Anh (UK hoặc Britain) gồm 4 nước nhỏ là England (Anh), Scotland, Wales và Bắc Ireland. Tuy nhiên, tiếng Việt của ta không phân biệt rõ ràng mà thường dùng gọn là Anh, rất dễ nhầm lẫn Vương quốc Liên hiệp Anh với Anh - England. Trong thể thao (gồm bóng đá), 4 nước thành viên này tranh tài riêng. Ngoài lĩnh vực thể thao, “Anh” lại thường đại diện cho cả 4 nước vì khi đó lại là cả vương quốc. Trong tiếng Anh, sự phân biệt quá rõ ràng nhưng tiếng Việt của ra thì hầu như không có. Không biết đến khi nào việc dễ gây nhầm lẫn này mới được giải quyết.

 

Tường Thụy

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thang-dan-mach-o-tran-ban-ket-euro-2020-tuyen-anh-tro-thanh-tho-lan-a4644.html