Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch, có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội nói chung, đặc biệt là đến đời sống của những người lao động tự do do mất sinh kế và thu nhập. Chính vì vậy, Đại sứ quán Bỉ quyết định phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ cho các đối tượng là lao động nữ trên địa bàn 02 huyện và thành phố của tỉnh Hà Tĩnh.
“Đại dịch Covid 19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây tổn thất nặng nề trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tháng 6 năm ngoái, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Hà Nội đã trao tặng túi đồ dùng vệ sinh cho trẻ em mẫu giáo và các gia đình ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Lần này, chúng tôi muốn hỗ trợ những lao động nữ dễ bị tổn thương ở tỉnh Hà Tĩnh với mong muốn họ có thể phần nào vượt qua khó khăn hiện tại”, Đại sứ Paul Jansen cho biết.
Trong hơn bốn thập kỷ qua, Hợp tác Phát triển Bỉ đã hỗ trợ Việt Nam từ các dự án cơ sở hạ tầng đến giảm nghèo và các chương trình phát triển xã hội trong những năm 1990, tiếp đó là giáo dục, y tế công cộng, nước và vệ sinh môi trường. Chương trình hợp tác song phương cuối cùng trị giá 58 triệu Euro tập trung vào các lĩnh vực quản trị, quản lý nước và quy hoạch đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Tỉnh Hà Tĩnh là một trong các đối tác của chương trình này. Các dự án này đã kết thúc thành công vào cuối tháng 6 năm 2019 và mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho các vùng dự án của tỉnh Hà Tĩnh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đối tác của Hợp tác Phát triển Bỉ từ những năm 1990 trong “Dự án tín dụng vi mô Việt-Bỉ” kéo dài 15 năm. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục là đối tác trong các dự án/chương trình giáo dục do Bỉ tài trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Plan International và VVOB.
10 tấn gạo sạch đến từ Hợp tác xã Bình Thành, tỉnh Đồng Tháp, thuộc dự án “Chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm ở Việt Nam” được Chính phủ Bỉ tài trợ và tổ chức phi chính phủ Rikolto thực hiện. Dự án này, trong khuôn khổ hợp tác chiến lược về nông nghiệp giữa Việt Nam và Bỉ, tạo điều kiện cho các nông hộ nhỏ phát huy vai trò trong việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và góp phần cung cấp gạo một cách bền vững trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng bằng cách lồng ghép các mô hình và thực hành kinh doanh bao trùm đối với lúa gạo bền vững. Những người nông dân tham gia đã nhận thấy được các lợi ích kinh tế và môi trường như giảm chi phí đầu vào, giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và góp phần bảo vệ hệ sinh thái đa dạng.
Tự Phong
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/dai-su-quan-bi-tang-10-tan-gao-cho-lao-dong-tu-do-nu-bi-anh-huong-boi-covid-19-tai-ha-tinh-a4552.html