Nằm trong kế hoạch mở rộng hệ sinh thái, ứng dụng gọi xe be (tên ứng dụng, với chữ viết thường) vừa ra mắt chức năng giao hàng nội thành beExpress. Khác với Viettel Post hay Giao Hàng Nhanh,.. các chức năng vận chuyển của các ứng dụng như be hay trước đó là Grab, hay Lalamove, AhaMove, GoViet,… chỉ giải quyết bài toán giao nhận nội thành với khoảng cách giới hạn, ngay trong ngày. Trong thông cáo báo chí, be cho biết ứng dụng này đã liên kết với các sàn thương mại điện tử như Adayroi, Lazada,...nhắm đến các doanh nghiệp thương mại điện tử nói chung.
Thương mại điện tử cùng với thói quen cư dân, kiến trúc đô thị đang là mảnh đất màu mỡ cho các ứng dụng giao hàng như be hay Grab, GoViet…
Với một chiếc xe máy, cùng một thùng đựng hàng dạng mềm, để đằng trước, một lái xe của Grab hiện có thể tham gia cùng lúc nhiều dịch vụ, từ gọi xe (GrabBike), giao hàng (GrabExpress) hay mua đồ ăn (GrabFood). Ưu điểm của các ứng dụng này là lượng khách hàng sẵn có với thói quen sử dụng dịch vụ gọi xe (là dịch vụ ban đầu của ứng dụng) và phương tiện sẵn có của tài xế, gần như không cần phải trang bị thêm
Ra đời sau, các ứng dụng gọi xe như GoViet hay be cũng đang đi theo hướng hoàn thiện hệ sinh thái ứng dụng, trước hết là bổ sung chức năng giao hàng.
Hệ thống các đường phố nhỏ, cùng với nền kinh tế vỉa hè phát triển mạnh mẽ tại các thành phố, đang là những điều kiện thuận lợi cho các hình thức giao hàng nội thành bằng xe máy. Đô thị hoá đang thúc đẩy sự tăng trưởng các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bám vào các trục đường, phục vụ các khách hàng sử dụng xe máy, vẫn chiếm số lượng áp đảo. Một cửa hàng hoa trên con phố Kim Mã sầm uất của Hà Nội với diện tích chỉ khoảng 15 mét vuông, hay cửa hàng quần áo chỉ với 10 mét vuông,... vẫn hàng ngày hoạt động hiệu quả và tấp nập, bất chấp sự thăng trầm của các cửa hàng lớn thuộc trung tâm thương mại.
Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia tiêu thụ nhiều xe máy nhất thế giới năm 2018, theo thống kê của Motorcycles. Mặc dù lượng xe máy tiêu thụ đã giảm trong nửa đầu năm 2019, Việt Nam vẫn được coi là nền kinh tế xe máy khi số lượng phương tiện này áp đảo các loại phương tiện còn lại.
Thương mại điện tử cùng với nhu cầu vận chuyển hàng hoá không phải là động lực duy nhất của dịch vụ giao hàng nội thành.
Cuộc sống đô thị với xu hướng “nhốt” con người trong các căn hộ, các toà nhà văn phòng trong hầu hết thời gian làm nảy sinh nhu cầu vận chuyển trao đổi đồ đạc. Nhu cầu trao đổi đồ đạc, giấy tờ,… lớn dần và không thua kém với nhu cầu gọi xe thông thường. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh, thiết bị hầu như nhân viên công sở nào cũng có, họ có thể chuyển đồ cho nhau ở hai đầu thành phố chỉ trong vòng một tiếng, mà không cần phải đích thân đi lại. Trước kia khi chưa có các ứng dụng vận chuyển, nhân viên hành chính, hoặc ngay cả các bác xe ôm quen biết sẽ phải trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này
Thị trường gọi xe, bao gồm cả giao hàng và giao thức ăn được Google và Temasek đánh giá đạt mức tăng trưởng cao tại khu vực Đông Nam Á, dự kiến đạt quy mô 30 tỉ USD vào năm 2025, gấp bốn lần quy mô năm 2018. Thị trường gọi xe Việt Nam được dự đoán sẽ đạt quy mô 2 tỉ USD vào năm 2025.
Bán lẻ nói chung và thương mại điện tử nói riêng là những ngành đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ tại Việt Nam trong hàng thập kỷ trở lại đây. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong gần 20 năm từ 2000 đến nay, ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số, đạt trên 85 tỉ USD trong nửa đầu năm 2019.
Quy mô ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đã đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017 – theo số liệu được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 tổ chức cuối tháng Ba vừa qua. So với tổng mức bán lẻ, doanh số thương mại điện tử chiếm khoảng 4,2%. Tỷ trọng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành bán lẻ.
Để phục vụ vận chuyển cho ngành bán lẻ, các ứng dụng đều có chức năng thanh toán ứng trước cho khách hàng và nhận tiền sau từ người nhận hàng. Tuy nhiên, giá trị các món hàng chỉ được giới hạn nhất định, thường là dưới 1 triệu đồng.
Hiện tại các ứng dụng vận chuyển nội thành chỉ sử dụng xe máy và giao nhận các món hàng không quá cồng kềnh.
Mức giá giao hàng trên các ứng dụng như be, Grab hay GoViet nhìn chung nhỉnh hơn một chút so với mức giá gọi xe trên cùng một quãng đường. Thử đặt GrabBike cho quãng đường từ cuối đường Kim Mã đến Công viên Thống Nhất (Hà Nội), mức phí được đưa ra là 33 nghìn đồng, trong khi cùng một quãng đường nếu chọn GrabExpress số tiền khách phải trả là 34 nghìn đồng.
Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng đang là mảnh đất cạnh tranh khốc liệt của các ứng dụng gọi xe, đặc biệt sau khi Uber rút khỏi thị trường đầu năm ngoái. Grab mặc dù vẫn là ứng dụng phổ biến và là startup được định giá cao nhất hiện nay, nhưng các ứng dụng trong khu vực như GoJek hay các ứng dụng nội địa tại các quốc gia như be, Vato… đang tăng sức nóng cho thị trường gọi xe tại khu vực.
thunguyen
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-ung-dung-goi-xe-mo-rong-dich-vu-giao-hang-noi-thanh-a447.html