Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – Mã: LPB) vừa công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của đơn vị liên quan đến ông Nguyễn Đức Thụy – Phó Chủ tịch HĐQT.
Cụ thể, CTCP Thaiholdings - nơi ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) sở hữu hơn 20% vốn - đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ 1,86% vốn của ngân hàng này. Thời gian đăng ký mua từ 29/6 đến 28/7/2021 thông qua hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Trước đó, Thaiholdings vừa bán hết toàn bộ 719.400 cổ phiếu LPB mà công ty này sở hữu trong ngày 16/6, ước tính thu về khoảng 20,4 tỷ đồng.
Thông báo của LienVietPostBank cũng cung cấp một thông tin đáng chú ý đến tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Đức Thụy.
Cụ thể, đến thời điểm đăng ký, Bầu Thụy đang nắm gần 30,6 triệu cổ phiếu LPB (chính xác là 30.575.080 cổ phiếu), tương đương tỷ lệ sở hữu 2,84% vốn điều lệ. Như vậy, lượng cổ phiếu LPB do vị ‘’đại gia’’ đất Ninh Bình này sở hữu đã vượt qua ông Phạm Doãn Sơn – Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank, trở thành cá nhân nắm giữ nhiều cổ phần nhất trong Ban quản trị ngân hàng.
Trước đó, Bầu Thụy đã đăng ký mua vào 32,54 triệu cổ phiếu LPB để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 20,4 triệu lên 52,9 triệu đơn vị, tương ứng 4,92% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 8/6/2021 đến 8/7/2021.
Như vậy, trong thời gian từ 8/6 đến nay, Bầu Thụy đã mua vào hơn 10 triệu cổ phiếu LPB trong tổng số hơn 32,5 triệu cổ phiếu đăng ký mua như đã thông báo. Từ nay đến ngày 8/7, ông Thụy cần mua thêm hơn 22 triệu cổ phiếu LPB nữa để hoàn thành lượng đăng ký.
Nếu mua thành công lượng cổ phiếu trên, nhiều khả năng ông Nguyễn Đức Thụy sẽ trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của LienVietPostBank. Tính đến cuối năm 2020, nhà băng này chỉ có 1 cổ đông lớn duy nhất là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (sở hữu 109.085.128 cổ phần, tương đương 10,15% vốn).
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thủy, em trai ông Thụy đã mua xong 1 triệu cổ phiếu LPB nâng lượng sở hữu 1,6 triệu cổ phiếu, tương đương 0,15% vốn điều lệ của ngân hàng.
Trong trường hợp Thaiholdings và ông Thụy hoàn tất giao dịch như đăng ký, lượng cổ phiếu do vị đại gia này đại diện sở hữu có thể đạt ít nhất 74,5 triệu đơn vị, tương đương 6,93% vốn điều lệ.
LienVietPostBank bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Thụy làm Phó chủ tịch HĐQT vào ngày 7/5/2021. Quyết định này được đưa ra sau một tuần kể từ Đại hội đồng cổ đông thông thường niên 2021, nơi ông Thụy bất ngờ được bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.
Khi đó, LienVietPostBank không thông tin chi tiết về số lượng cổ phần mà ông Thụy đang đại diện sở hữu nhưng theo điều lệ của ngân hàng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu tối thiểu 10% vốn mới có quyền đề cử người vào HĐQT.
Thông tin khác được công bố tại đại hội cho biết, Phó Chủ tịch LienVietPostBank tham dự với vai trò cổ đông đại diện sở hữu hơn 31,3 triệu cổ phần LPB, tương đương khoảng 3% vốn hiện hành của ngân hàng.
Không rõ Bầu Thụy ‘’gom’’ cổ phiếu LPB theo phương thức và thời gian nào nhưng vị ‘’đại gia’’ đất Ninh Bình chính thức được giới thiệu là đại diện cổ đông lớn của LienVietPostBank từ hồi tháng 2 năm nay, tại sự kiện ngân hàng phối hợp với Thaiholdings trao tặng tiền quyên góp cho Quỹ mua vắc-xin phòng chống COVID-19 của Bộ Y Tế.
Vào tháng 11/2020, ông cũng tham gia sự kiện chào sàn HOSE của cổ phiếu LPB và nằm trong hàng ngũ lãnh đạo thực hiện nghi lễ đánh cồng dù không đảm nhiệm bất kỳ chức vụ gì tại cả LienVietPostBank và HOSE.
Trước đó, giới tài chính cũng ‘’rỉ tai’’ về tin đồn Bầu Thụy có kế hoạch trở thành Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Tin đồn trên càng được củng cố khi trong năm 2020, ông Nguyễn Đức Thụy đồng loạt từ nhiệm chức danh Chủ tịch tại các công ty do ông và gia đình thành lập và quản lý, như Thaigroup, Thaiholdings, Công ty CP Du lịch Kim Liên, Công ty CP Enclave Phú Quốc.
Theo các quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Sau khi quy định này có hiệu lực, một loạt ông chủ tập đoàn lớn cũng đã từ nhiệm để giữ vai trò tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa LienVietPostBank và Thaiholdings cũng ’’nồng ấm’’ lạ thường sau một loạt giao dịch giữa hai bên trong năm 2020.
Cụ thể, vào tháng 11/2020, LienVietPostBank - chi nhánh Thăng Long đã cấp cho Thaiholdings hạn mức tín dụng 500 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm. Trước đó, tập đoàn này cũng được LienVietPostBank - chi nhánh Ninh Bình cấp hạn mức tín dụng 200 tỷ đồng vào tháng 6/2020.
Thaiholdings dùng gần 4,5 cổ phiếu của Công ty CP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) thuộc sở hữu công ty và Thaigroup – công ty con của Thaiholdings cùng với các khoản tiền gửi, bất động sản của cổ đông lớn để làm tài sản đảm bảo cho hai khoản nợ trên.
Đến cuối năm 2020, dư nợ của Thaiholdings tại LienVietPostBank là gần 456 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, vào tháng 2/2020, LienVietPostBank đã dành ra hơn 400 tỷ đồng để ký hợp đồng thuê 6 tầng, từ tầng 1-6 của toà nhà Thaiholdings Tower tại 17 Tông Đản - 210 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với thời hạn thuê là 5 năm.
Đây là tòa nhà được đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng, được Bầu Thụy mua lại từ tập đoàn Him Lam. Đến nay, LienVietPostBank đã chuyển trụ sở chính về đây và chính thức ‘’chung một nhà’’ với Thaiholdings.
Diệu Quang