Bản tin sáng 18-6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 81 ca mắc COVID-19 trong nước tại TP.HCM và Bắc Giang, riêng TP.HCM đã ghi nhận 60 ca.
Các ca (BN12172-BN12231) ghi nhận tại TP.HCM gồm 51 ca là các trường hợp F1, 4 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, 5 ca đang điều tra dịch tễ.
Tại TP HCM, tính từ ngày 27/4 đến nay tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 1.257 ca, xếp thứ ba cả nước trong đợt dịch này. Thành phố ghi nhận tổng cộng 137 ca Covid-19 ngày 17/6, là ngày có số ca nhiễm cao nhất tính từ khi dịch xuất hiện đầu năm 2020 đến nay.
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết thời gian qua, sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng thì thành phố phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới, số lượng người nhiễm bệnh cao, như chuỗi liên quan chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, xưởng cơ khí Hóc Môn...
Theo BS Hải Yến, hơn 10 ngày qua, mỗi ngày thành phố đều phát hiện những trường hợp nhiễm mới thông qua sàng lọc không rõ nguồn lây. Điều này cho thấy mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng.
"Những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày có thể một ngày nào đó họ trở thành F0, hoặc chính chúng ta trở thành F0 gây lây nhiễm cho người xung quanh. Do đó, trong thời gian này, khi tiếp xúc trực tiếp với người khác, hãy xem họ như một F0 để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh", BS Hải Yến khuyến cáo.
Cũng theo BS Hải Yến, nếu không tuân thủ đúng các quy định giãn cách xã hội để kiểm soát được dịch bệnh thì từ chỉ thị 15 sang chỉ thị 16 là chuyện sớm muộn. Và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của thành phố và của cả nước. Dù chỉ thị 15 không cấm việc tiếp xúc với hàng xóm nhưng giai đoạn hiện nay vì sự an toàn cho bản thân và người xung quanh nên cần tránh. Nếu có tiếp xúc hãy nhớ 5K.
Được biết ngày 17/6, Bộ Y tế cũng ưu tiên khẩn 836.000 liều vaccine Covid-19 cho TP HCM, từ nguồn 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam. Dự kiến, thành phố bắt đầu tiêm vào ngày 19/6 ở 1.000 điểm tiêm chủng, hoàn thành trong 5-7 ngày.
Với hơn 800.000 liều được phân bổ trong đợt thứ 4, ngoài các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến tiêm chủng cho các đối tượng: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.
Chiều 17-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và lãnh đạo TPHCM để thảo luận và triển khai các phương án phòng chống dịch của thành phố trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, TPHCM là trung tâm kinh tế rất lớn, đã trải qua một số đợt dịch phức tạp. Vì vậy, chính quyền và người dân đã có những thực tiễn trải nghiệm trong quá trình chống dịch. Đối với thành phố có số dân trên 10 triệu, lãnh đạo TPHCM cần quyết định các vấn đề giãn cách, cách ly trên tinh thần cố gắng khoanh vùng hẹp. Trường hợp buộc phải khoanh vùng rộng thì phải xét nghiệm thần tốc, xác định ngay khu vực khẩn. Cùng với đó, phải có những chỉ đạo nghiêm, cụ thể trong việc giãn cách, tránh tình trạng tụ tập đông người. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giãn cách.
"Tất cả các bệnh viện trên địa bàn không được để bệnh nhân tập trung đến khám quá đông. Ngoài ra, thành phố cần có kịch bản cách ly F1 tại nhà dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. Đề phòng trường hợp dịch Covid-19 lan rộng trong khu công nghiệp, cần triển khai mô hình tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại các khu công nghiệp, khu dân cư như đã thí điểm ở Bắc Giang trước đó", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Quỳnh Giang