Thái Lan phản ứng thế nào trước thông tin Việt Nam áp thuế gần 48% lên đường mía nước này?

Sau khi Việt Nam thông báo sẽ áp 48% thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cho đường Thái Lan, cuối cùng phía Thái Lan cũng đã có những bình luận đầu tiên trước thông tin này.

Trao đổi với hãng tin Reuters ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Sansern Samalapa cho biết, việc đầu tiên là Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam sẽ có những hành động cụ thể bằng cách đưa đơn phản đối và yêu cầu phía Việt Nam mở một cuộc điều tra khác để xem xét lại các biện pháp vào năm tới.

duongthai-1623831185.jpeg
Một nông dân Thái Lan đang thu hoạch mía. Ảnh: Bangkokpost.com

“Chúng tôi sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại vấn đề này vào năm sau và mở một cuộc điều tra mới ... để xác nhận rằng chúng tôi không bán phá giá trên thị trường và yêu cầu họ giảm thuế”, ông Sansern nói.

Là một thành viên trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đã ký Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN nên Việt Nam đã xoá bỏ thuế nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực vào năm 2020.

Tuy nhiên, trong Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN vẫn có những điều khoản cho phép một quốc gia có thể áp thuế nhập khẩu từ các nước thành viên để bảo vệ quyền và lợi ích của các ngành sản xuất trong nước trước các hành vi chống cạnh tranh.

Trước đó, như thông tin đã đưa, ngày 15/6 Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, thời hạn áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức 5 năm từ ngày quyết định có hiệu lực, trừ trường hợp được thay đổi hoặc gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc từ ngày 21/9/2020 sau khi thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước. Quá trình điều tra đã được Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan khác.

Kết quả điều tra cho thấy, đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020 lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019. Đó chính là những cơ sở để Việt Nam sẽ áp 48% thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cho đường Thái Lan lần này.

Vũ Hạ

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thai-lan-phan-ung-the-nao-truoc-thong-tin-viet-nam-ap-thue-gan-48-len-duong-mia-nuoc-nay-a4394.html