Bà Nguyễn Phương Hằng đang có một "đối thủ" thực sự, đó là ai?

Bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng “lò vôi”, chủ của khu du lịch Đại Nam) livestream trên mạng xã hội để “bóc phốt”, tố cáo nhiều người trong giới nghệ sĩ gây xôn xao cộng đồng mạng với lượng người theo dõi rất lớn. Mặc dù đã bị xử phạt nhưng đến nay bà Hằng vẫn tiếp tục livestream như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Thực tế bà đang có một đối thủ, đó là ai?

Cuối tháng 5/2021, bà Nguyễn Phương Hằng bị Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng liên quan đến thông tin làm tổn hại uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Trong văn bản giải trình với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM , bà Nguyễn Phương Hằng cũng cam kết sẽ rút kinh nghiệm, cẩn trọng trong phát ngôn, không dùng từ ngữ làm ảnh hưởng đến người khác.

Tuy nhiên, cho đến nay nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng vẫn tiếp tục liveshtreams, dường như không ngán việc xử phạt hành chính như đã xảy ra với bà ta.

nguyen-phuong-hang-nhaquanly-1623479058.jpg
Bà Nguyễn Phương Hằng trong buổi livestream "Đại hội vạch mặt" tối 10/6/2021

Đối thủ đầu tiên dám ra mặt "so găng"...

Tính đến nay, đã có nhiều nhân vật tên tuổi trở thành "nạn nhân" livestream của bà Nguyễn Phương Hằng như Võ Hoàng Yên, danh hài Hoài Linh, người mẫu Trang Trần, NSND Hồng Vân, v.v...  song  dám đương đầu "so găng "với bà Hằng lại là một phụ nữ lớn tuổi, đó chính là bà Lê Thị Giàu, 62 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây. Bà Giàu đã kiện bà Hằng ra TAND đòi bồi thường 1.000 tỷ do hành vi livestream của bà Hằng.

Tại TAND Quận 1, hai đối thủ đã bắt đầu đấu nhau về thẩm quyền của Tòa án xét xử: Đó là Tòa án nhân dân Quận 1 hay Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Dầu Một ?

Luật sư của bà Nguyễn Phương Hằng có đơn gửi  TAND Q.1 lập luận rằng mặc dù bà Hằng đăng ký hộ khẩu thường trú ở Quận 1, TP.HCM nhưng thực tế bà và gia đình sống thường xuyên tại nơi đăng ký tạm trú, địa chỉ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Vì vậy, trong trường hợp này cần xác định nơi cư trú của bà Hằng là TP Thủ Dầu Một, tức nơi bà thường xuyên sinh sống, theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015.  Ngoài ra căn cứ theo khoản 1 Điều 39 bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là "Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân... ".  Như vậy nơi cư trú của bà Hằng ở TP Thủ Dầu Một nên thẩm quyền theo lãnh thổ phải do TAND TP Thủ Dầu Một giải quyết. Từ đó phái luật sư của bà Hằng để nghị TANd Quận 1 chuyện vụ kiện 1000 tỷ cho TAND TP Thủ Dầu Một thụ lý, giải quyết.

Tuy nhiên, phản bác lại đối thủ của mình, bà Lê Thị Giàu đã có đơn gửi TAND Quận 1 không đồng ý với đơn đề nghị của luật sư phía bà Hằng chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Thủ Dầu Một giải quyết. Bà Giàu nêu ý kiến, quan hệ tranh chấp giữa bà và bà Hằng là tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, không liên quan đến doanh nghiệp, nơi bà Hằng làm việc. Bà Giàu nêu, theo điểm đ, khoản 1, điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự nói rõ, nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án, nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra thiệt hại giải quyết.

Bà Giàu cho biết, bà có nơi cư trú, làm việc tại đường Đặng Thị Nhu, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Trong đơn trình bày ý kiến, bà Giàu có kèm theo các giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, hiện nay bà đang quản lý. Từ đó bà Giàu đề nghị TAND quận 1 tiếp tục thụ lý, giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

le-thi-giau-1623479200.png

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây

Việc TAND Quận 1 có chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Thủ Dầu Một hay không, sắp tới Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết thế nào, chúng ta vẫn phải chờ đợi. Song, vì đối thủ của bà Nguyễn Phương Hằng đã "lộ diện", vì vậy chúng ta cần biết đôi nét về nhân vật này.

Bà Lê Thị Giàu là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, một doanh nghiệp khá có tiếng trong ngành. Thực phẩm Bình Tây thành lập từ năm 1960, có nhà máy tại Tp.HCM và Đồng Nai. Trên website chính thức, doanh nghiệp này cho biết sở hữu năng lực xuất khẩu 200 container/tháng. Công ty CP Thực phẩm Bình Tây chủ yếu sản xuất thực phẩm chay ăn liền và các sản phẩm từ gạo như bánh tráng, bún tươi, bún gạo, mì ăn liền, gia vị, nước tương, bánh hỏi,…

Trong đó, một vài sản phẩm được đánh giá là làm nên tên tuổi cho doanh nghiệp này như thương hiệu mì chay Lá Bồ Đề, dầu Nhị thiên đường. Tại miền Nam, mì chay Lá Bồ Đề được ưa chuộng, xuất hiện nhiều trong lễ Vu Lan và lễ cúng dường tại các chùa. Còn tại miền Bắc, mì lẩu nấm của Công ty CP Thực phẩm Bình Tây cũng khá phổ biến.

Không chỉ phân phối tại hơn 100 đại lý và siêu thị trên toàn quốc, các sản phẩm còn được xuất khẩu Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan,… Gần đây, Công ty còn sản xuất một số loại khẩu trang kháng khuẩn.

Lê Thị Giàu - Nguyễn Phương Hằng: Ai sẽ thắng?

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Giàu khẳng định có căn cứ để đòi số tiền 1.000 tỷ đồng này. Theo đó, mục đích của bà Lê Thị Giàu là phải đòi bằng được 1.000 tỷ đồng để cho bà Nguyễn Phương Hằng ý thức được lời nói của mình, không được xúc phạm người khác nữa.

Ngoài ra theo bà Lê Thị Giàu thì bà điều bà quan tâm là bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm uy tín thương hiệu Mì lá bồ đề, Dầu nhị thiên đường, “là thương hiệu đểu, chứng nhận giả”. Bởi theo bà các nhãn hiệu này do bà làm chủ đang hoạt động, sản xuất bình thường.

 “Giá trị một con người và thương hiệu sản phẩm do con người tạo ra không thể tính bằng tiền. Và càng không thể bị tổn hại bởi một con người làm mưa làm gió, thích nói gì thì nói trên  mạng xã hội trong thời gian vừa qua. Không ai dám kiện thì tôi phải kiện để bảo vệ chính mình”, bà Lê Thị Giàu cho biết.

Như vậy tính đến thời điểm này bà Nguyễn Phương Hằng đang có một đối thủ đích thực, đó chính là bà Lê Thị Giàu.

Bình luận về vụ kiện giữa hai doanh nhân nói trên, Luật sư Nguyễn Hồng Lâm (Đoàn Luật sư  TPHCM)  nói rằng "Tôi đánh giá cao bà Lê Thị Giàu qua việc bà dám đâm đơn kiện bà Hằng ra Tòa. Nhưng tôi xin khẳng định khả năng thắng, dù chỉ trên mười tỷ của bà Lê Thị Giàu gần như bằng 0, vì rất nhiều lẽ đơn giản".

Theo Luật sư Lâm, bà Giàu phải chứng minh thiệt hại 1000 tỷ mà bà đòi bồi thường là phát sinh từ việc vu khống, nói xấu của bà Phương Hằng, ví dụ: thu nhập doanh nghiệp sụt giảm do khách hàng mất tin tưởng vào sản phẩm từ lời livestream vạn người coi của bà Phương Hằng.

"Tôi hỏi một câu đơn giản để so sánh: liệu doanh thu (chưa nói đến thu nhập) doanh nghiệp của bà Giàu trong vài ngày ngắn ngủi từ khi bị nói xấu đến khi nộp đơn kiện có đến 1000 tỷ hay không ? Hỏi tức là trả lời rồi đó. Hay thiệt hại từ đây trở về sau ? Xin lỗi, pháp luật không cho phép đòi bồi thường thiệt hại trong tương lai", LS Lâm phân tích.

Theo LS Lâm, có ba nguyên tắc cơ bản để thắng một vụ kiện “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” mà nguyên đơn phải nằm lòng nếu muốn thắng kiện, đó là:  Có thiệt hại xảy ra (phải chứng minh được);  Có lỗi của bị đơn; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và lỗi (tức là lỗi phải là nguyên nhân trực tiếp gây nên thiệt hại).

"Trong ba yếu tố trên, bà Giàu chứng minh được một đã khó, nói gì có đủ ba trong một:, LS Lâm phân tích.

Theo LS Lâm, bà Lê Thị Giàu và ê kíp luật sư của bà không đến nỗi không nhận ra những khó khăn vừa nêu, nhưng bà vẫn kiện đòi 1.000 tỷ vì chả có gì để mất.

"Chỉ với việc khởi kiện bà Phương Hằng ra TAND Quận 1 đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng, tên tuổi công ty Công ty CP Thực phẩm Bình Tây của bà mấy bữa nay nổi như cồn trên báo mạng, có chiêu PR nào hiệu quả hơn", LS Nguyễn Hồng Lâm nhận định.

Hồ Thế Thành

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ba-nguyen-phuong-hang-dang-co-mot-doi-thu-thuc-su-do-la-ai-a4362.html