Ngày 28/5/2021, Toà án nhân dân Quận 1 (TPHCM) đã thụ lý vụ án dân sự "tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu còn bị đơn là bà Nguyễn Phương Hằng.
Toà án nhân dân Quận 1 đã thụ lý vụ án dân sự, tức là không còn là chuyện doạ dẫm nhau trên mạng nữa, tức là to chuyện rồi. Vì đây là chuyện liên quan đến pháp lý nên tôi xin có vài nhận định như sau:
Kiện đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng có khả thi không ?
Chuyện xảy ra kiện tụng giữa hai nữ doanh nhân này bắt đầu từ việc mấy tuần trước bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên trang cá nhân và các fanpage nói chuyện với chủ đề công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh (chùa Phước Sơn).
Trong phần nội dung đề cập đến bà Giàu, bà Phương Hằng đã dùng những lời xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân mà theo bà Giàu là bịa đặt, vu khống. Chưa dừng lại ở đó, bà Phương Hằng còn cho rằng thương hiệu Mì lá bồ đề, dầu nhị thiên đường do bà Giàu làm chủ, đang hoạt động là thương hiệu đểu, chứng nhận giả….
Vì thế, ngoài đưa ra số tiền bồi thường lên đến 1.000 tỷ đồng, bà Giàu còn muốn bà Phương Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của bà, gỡ bài nói về bà và công khai xin lỗi và cải chính trên mạng Youtube.
Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây là doanh nhân có máu mặt, giờ nộp đơn kiện đòi bồi thường nghìn tỷ thì không thể không tham vấn đội ngũ luật sư của mình. Vì vậy có thể loại trừ khả năng bà Giàu kiện đòi ngàn tỷ do ... thiếu hiểu biết pháp luật.
Toà án nhân dân Quận 1 đã thụ lý vụ án “đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” thì rõ ràng điểm nhấn của vụ kiện không còn là bồi thường về tinh thần nữa mà là bồi thường vật chất (đơn khởi kiện nói rõ thiệt hại do bà Giàu bị bà Phương Hằng nói xấu thương hiệu).
Tôi khẳng định khả năng thắng, dù chỉ trên mười tỷ của bà Giàu gần như bằng 0, vì rất nhiều lẽ đơn giản.
1. Chứng minh thiệt hại:
Bà Giàu phải chứng minh thiệt hại 1000 tỷ mà bà đòi bồi thường là phát sinh từ việc vu khống, nói xấu của bà Phương Hằng, ví dụ: thu nhập doanh nghiệp sụt giảm do khách hàng mất tin tưởng vào sản phẩm từ lời livestream vạn người coi của bà Phương Hằng.
Tôi hỏi một câu đơn giản để so sánh: liệu doanh thu (chưa nói đến thu nhập) doanh nghiệp của bà Giàu trong vài ngày ngắn ngủi từ khi bị nói xấu đến khi nộp đơn kiện có đến 1000 tỷ hay không ? Hỏi tức là trả lời rồi đó. Hay thiệt hại từ đây trở về sau ? Xin lỗi, pháp luật không cho phép đòi bồi thường thiệt hại trong tương lai.
Một vấn đề tiên quyết mà bà Giàu và ê kíp luật sư của mình phải nhớ là họ không có quyền dẫn chứng các con số thiệt hại trên hệ thống sổ sách tài chính nội bộ của mình, toà án chỉ chấp nhận hệ thống tài chính dùng để ... báo cáo thuế. Sự chênh lệch giữa hai hệ thống sổ sách này như thế nào, khỏi cần nói thì ai cũng biết.
2. Khái niệm “ba trong một”:
Có ba nguyên tắc cơ bản để thắng một vụ kiện “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” mà nguyên đơn phải nằm lòng nếu muốn thắng kiện, đó là:
- Có thiệt hại xảy ra (phải chứng minh được);
- Có lỗi của bị đơn;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và lỗi (tức là lỗi phải là nguyên nhân trực tiếp gây nên thiệt hại).
Trong ba yếu tố trên, bà Giàu chứng minh được một đã khó, nói gì có đủ ba trong một.
Kiện cho cá nhân hay cho doanh nghiệp? Coi chừng đứt tay vì án phí.
Tôi chưa được xem đơn kiện của bà Giàu nên không rõ khoản 1000 tỷ bà đòi bồi thường cho cá nhân bà hay cho doanh nghiệp của bà ? Cho ai thì cũng có gì đó bất cập.
Cá nhân bà Giàu không thiệt hại vì bà chỉ là chủ doanh nghiệp, bà chỉ bị thiệt hại tương ứng với số cổ phần hay vốn góp trong doanh nghiệp mà thôi.
Nếu xác định đòi cho doanh nghiệp thì bà Giàu vấp phải rào cản khá lớn về án phí. Yêu cầu này (nếu được xác định là của doanh nghiệp) không thuộc dạng được miễn án phí như một số lập luận trên báo chí gần đây. Một số người cho rằng bà Giàu trên 60 tuổi thì đương nhiên không phải chịu án phí theo quy định pháp luật, nhưng doanh nghiệp của bà thì lại khác.
Trong trường hợp “thua kiện” phần ngàn tỷ (khả năng 100%} như mình đã phân tích ở trên, doanh nghiệp của bà Giàu sẽ phải chịu mức án phí không nhỏ lên đến vài trăm triệu đồng. Chắc chẳng ai muốn chơi dao mà lại đứt tay đâu nhỉ ?
Toà án thụ lý vụ án tức là đã xác định xong phần tạm ứng án phí, không biết họ có lưu ý đến vấn đề này không? Điều quan trọng là họ xác định ai là nguyên đơn của yêu cầu “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” để có cách xác định án phí phù hợp.
Biết là khó nhưng vẫn kiện, tại sao ?
Tôi tin là bà Lê Thị Giàu và ê kíp luật sư của bà không đến nỗi không nhận ra những khó khăn vừa nêu, nhưng bà vẫn kiện đòi 1.000 tỷ vì chả có gì để mất. Hơn nữa chỉ với việc khởi kiện bà Phương Hằng ra TANd Quận 1 đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng, tên tuổi công ty Công ty CP Thực phẩm Bình Tây của bà mấy bữa nay nổi như cồn trên báo mạng, có chiêu PR nào hiệu quả hơn thế ?
Binh pháp Tôn Tử có chiêu “dương Đông kích Tây” rất hiệu quả để đánh lạc hướng đối thủ. Nhiều khả năng cái đích bà Giàu nhắm đến là lời xin lỗi công khai và xoá bỏ các clip đã đăng của bà Phương Hằng, một trong các yêu cầu nằm rất khuất trong đơn khởi kiện của bà đã bị cái 1000 tỷ đồng kia che lấp.
Bà Phương Hằng bị mất mặt và phải xin lỗi có lẽ là quá đủ đối với bà Giàu rồi, còn tiền bạc chỉ là phù du thôi.
Nhìn diễn biến sự việc mấy ngày qua, báo chí thay nhau phân tích con số ngàn tỷ mà chẳng có bài nào phân tích khả năng thua kiện mặt trận chính của bà Phương Hằng, có lẽ nhiều người đã trúng kế bà Giàu. Nhưng với bà Phương Hằng thì chưa chắc.
Luật sư Nguyễn Hồng Lâm (Đoàn Luật sư TPHCM)
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/ba-le-thi-giau-va-e-kip-luat-su-se-doi-mat-nhung-gi-trong-vu-kien-1000-ty-voi-ba-phuong-hang-livestream-a4297.html