Sau thời gian tạm lắng, “bóng ma” dự án đất nền đã quay trở lại. Mặc dù hàng loạt chủ đầu tư các dự án 'ma' bị khởi tố và bắt tạm giam, nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục rơi vào bẫy của các dự án 'ma', bị lừa tiền tỷ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng TP. HCM đã và đang khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai thông tin quy hoạch.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, trong 5 năm qua (2016-2020), trên địa bàn Thành phố xuất hiện các nhóm vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Trong đó, nhóm vi phạm của cán bộ, công chức nổi lên là hành vi: chấp thuận việc tách thửa không phù hợp với quy hoạch đô thị, không xin ý kiến thỏa thuận Sở Quy hoạch và Kiến trúc, vi phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch.
Đáng chú ý là nhóm vi phạm của doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân. Từ năm 2016 đến nay, một số doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố bị khởi tố vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn là lập khống dự án khu dân cư, vẽ ra các dự án “ma” rồi rao bán lừa dối khác hàng thu về hàng tỷ đồng hoặc ký hợp đồng thỏa thuận để bán và thu tiền đối với các dự án chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, gây ra tình hình phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp trái pháp luật diễn ra phức tạp, việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý triệt để.
Theo Sở Xây dựng, những vi phạm trong nhóm này có dấu hiệu vi phạm về quản lý đất đai trật tự xây dựng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức như dự án không có thật để lừa đảo, đẩy giá đất lên cao, làm dự án, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, mua bán lòng vòng, xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp, xây nhà 3 chung (số nhà, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để bán hoặc ngăn phòng cho thuê.
Trước diễn biến phức tạp của các vụ việc trên, UBND TP. HCM đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương, cảnh báo người dân cẩn trọng phát hiện và kịp thời xử lý các dự án "ma."
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tăng cường chấn chỉnh việc quản lý Nhà nước về giá đất trên địa bàn.
Đồng thời, giao cho Sở Xây dựng thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản; Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, nhằm tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao thu lợi bất chính cũng như có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Theo quy định pháp luật kinh doanh bất động sản, dự án nhà đất nói chung muốn đưa vào kinh doanh, mua bán phải bảo đảm các điều kiện pháp lý nhất định. Cụ thể, nhà được đưa vào kinh doanh phải được đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, không bị tranh chấp, không bị kê biên... Đối với dự án nhà hình thành trong tương lai để được mua bán phải bảo đảm các điều kiện và được Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, do đầu cơ hoặc ít khả năng tài chính, nhiều khách hàng muốn mua dự án nhà đất khi còn chưa đủ các điều kiện pháp lý nên thường xuyên đối diện với các rủi ro hoặc thậm chí bị lừa tiền khi mua trúng dự án "ma". Về nguyên tắc, để tránh rủi ro, thiệt hại, người dân cần phải tìm hiểu pháp lý của dự án nhà đất trước khi quyết định bỏ tiền ra mua. |
Thiên Kim
Thiên Kim
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tp-ho-chi-minh-se-xu-ly-triet-de-cac-du-an-ma-a4290.html