'Sóng' cổ phiếu ngân hàng khi nào dừng lại?

Cổ phiếu ngân hàng liên tục là tâm điểm của thị trường chứng khoán trong những tháng gần đây khi dòng tiền lớn ’’cuồn cuộn’’ đổ vào nhóm ngành này, đẩy thị giá lên cao kỷ lục. Kết thúc tháng 5, toàn bộ 26 mã ngân hàng tăng giá so với cuối năm 2020 với mức tăng bình quân hơn 42%.

Theo thống kê đến hết ngày 31/5, toàn bộ 26 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom tăng giá so với cuối năm 2020 với mức tăng bình quân hơn 42%. Trong đó, nhiều mã tăng trên 100% như SSB (+143%); LPB (+142%); NVB (+133%); VPB (+113%); VIB (+111%); STB (+100%). 

Ngoài ra, cũng có tới 12 mã khác tăng trên 50% như SHB (+97%), VBB (+91%); ABB (+79%); TCB, EIB, BVB (cùng tăng 70%); MBB (+67%),…

Hai mã ít thay đổi giá nhất trong 5 tháng đầu năm là VCB và BID với mức tăng lần lượt là 1% và 2%.

Kết thúc tháng 5, không còn cổ phiếu ngân hàng nào có giá dưới 20.000 đồng/cp. Trong đó, giá VCB hiện dao động quanh vùng 100.000 đồng/cp, còn VIB và VPB mấp mé vùng 7x.

z2526375611368-1151a815f42cc5d7d6ae69a874d1bf02-1622545673.jpg
Nguồn: Diệu Quang tổng hợp

Theo giới phân tích, bên cạnh các yếu tố vĩ mô, sức hút nổi trội của cổ phiếu ngân hàng đến từ triển vọng kinh doanh của các nhà băng.

Trong báo cáo cập nhật về nhóm cổ phiếu ngân hàng mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) tiếp tục đánh giá khả quan về ngành ngân hàng trong năm 2021 với quan điểm tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.

Ngoài ra, việc thoái vốn và ký hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng là những nhân tố giúp ngành có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở trên, BSC đồng loạt nâng định giá cho một loạt cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, cổ phiếu VCB của Vietcombank có giá mục tiêu cao nhất với 135.000 đồng/cp. Ngoài ra, nhiều mã khác có mức định giá mục tiêu trên 60.000 đồng/cp như BID (67.000 đồng/cp), CTG (69.500 đồng/cp), TCB (71.500 đồng/cp), VPB (90.100 đồng/cp). 

Hai cổ phiếu MBB và ACB được định giá trên 50.000 đồng/cp. Các cổ phiếu ngân hàng khác được BSC đưa giá mục tiêu trên 30.000 đồng/cp như STB, SHB, LPB, OCB.

So với mức chốt ngày 31/5, giá mục tiêu của đa số cổ phiếu trên đều có dư địa tăng giá (upside) trên 20%. Hai mã BID và MBB có dư địa tăng giá trên 30%.

Tại báo cáo công bố mới đây, Chứng khoán IVS cũng nhận định hầu hết các ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021. Một số ngân hàng được dự báo có kết quả kinh doanh nổi bật như VPBank với dòng tiền về từ bán FE Credit, VietinBank hồi phục sau giai đoạn tái cấu trúc, Vietcombank không còn áp lực dự phòng.

Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược (LienVietPostBank, OCB, SHB, Vietcombank, TPBank, VPBank) hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền (HDBank, LienVietPostBank), sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.

IVS nhận định P/E, P/B toàn ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với VN-Index. So với nhóm ngân hàng cùng ngành trong thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hơn hiện tại hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung. 

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/song-co-phieu-ngan-hang-khi-nao-dung-lai-a4276.html