Doanh nghiệp vốn 500.000 tỷ hay vụ kiện bà Phương Hằng đòi 1.000 tỷ chỉ là chiêu trò PR?

Câu chuyện xôn xao ngày hôm qua 01/6 đó là doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lên đến 500 nghìn tỷ đồng hay vụ kiện đòi bà Phương Hằng bồi thường danh dự, nhân phẩm 1.000 tỷ đồng. Các vụ việc nghìn tỷ dễ dàng diễn ra như vậy, nguyên nhân từ đâu?

Theo thông tin công bố trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thì ngày 20/5/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh đã cấp phép thành lập cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu với vốn điều lệ đăng ký là 500 nghìn tỷ đồng. Cổ đông lớn là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986, đăng ký góp 99,996% với số tiền 499, 998 tỷ đồng.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 113 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn”. 

Như vây, Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

vbi-2021-06-01t195940765-1622552454.jpg

Do việc không quy định bắt buộc ngày góp vốn cụ thể mà chỉ quy định góp trong vòng 90 ngày, nên điểm d, khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều 113, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập. 

Điều này có nghĩa là nếu các cổ đông đã góp đủ thì không phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ. Nếu không góp đủ thì đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với vốn thực góp trong vòng 30 ngày. Đây chính là kẻ hở để cho thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi đó khả năng tài chính thực sự của doanh nghiệp không đủ. 

Doanh nghiệp thoải mái đăng ký mà không bị vi phạm quy định của pháp luật, chỉ cần kết thúc thời gian góp vốn đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu không góp đủ thì đăng ký giảm vốn điều lệ là xong. 

Điều này có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để đăng ký hàng trăm nghìn tỷ nhằm đánh bóng tên tuổi và dẫn đến hệ quả là các số liệu thống kê đăng ký kinh doanh không chuẩn xác, gây khó khăn cho công tác thống kê, quản lý nhà nước về vốn cũng như quản lý doanh nghiệp.

Mới đây TAND quận 1, TP.HCM vừa thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Lê Thị Giàu - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây - và bị đơn Nguyễn Phương Hằng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam. 

Theo đó bà Giàu kiện yêu cầu bà Hằng phải bồi thường 1.000 tỷ đồng cho việc bà bị bà Hằng là tổn thất vật chất và tinh thần do bà Hằng livestream xúc phạm danh dự, uy tín của bà. 

Trong trường hợp này, bà Giàu kiện đòi 1.000 tỷ đồng hay 10.000 tỷ đồng cũng không bị buộc phải đóng tiền tạm ứng án phí hay án phí nên đây có thể là một cách để nhiều người lợi dụng để đánh bóng tên tuổi. theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 12, nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín là trường hợp được miễn tạm ứng án phí và án phí.

Xét quy định nêu trên thì khi khởi kiện, bà Giàu không phải đóng tạm ứng án phí và nếu có thua kiện, bà Giàu cũng không phải đóng tạm ứng án phí.

giau-binh-tien-1622550383.jpg
Bà Lê Thị Giàu lập vi bằng về các tin nhắn mà bà Hằng nhắn cho bà - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Chế tài xử phạt còn quá nhẹ

Theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Nghị Định số 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000. 

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp”.

Như vậy, tôi cho rằng chế tài quá nhẹ nêu trên chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng đăng ký vốn “ảo” xảy ra rất nhiều như trong thời gian vừa qua.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/doanh-nghiep-von-500000-ty-hay-vu-kien-ba-phuong-hang-doi-1000-ty-chi-la-chieu-tro-pr-a4275.html