Tại sao "suy nghĩ tích cực" (positive thinking) nhiều khi có hại?

Tôi thỉnh thoảng đọc được những dòng - "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ta có thêm ngày nữa để yêu thương." “Everything will be fine.” Lúc đó mà đi cầu không được thì càng bực mình. Rồi nghĩ đôi khi mình cũng cho phép có cảm xúc ấy lấn lướt trong một buổi sáng đẹp trời.

Natalie Dattilo, một nhà tâm lý học - Bệnh viện "Brigham and Women’s" (Boston) giải thích: "Nó là kết quả của xu hướng chúng ta đánh giá thấp những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực và đánh giá quá cao những trải nghiệm tích cực."

Điều này là một vấn đề liên quan đến EQ (Emotional Quotient, được hiểu theo nghĩa là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh). Nếu như bạn không thể cảm nhận được môi trường xã hội ngoài kia, không thấy được những đau khổ, tiêu cực đang diễn ra ở những người xung quanh thì cái cảm xúc tích cực ấy là một sự tréo ngoe, trêu ngươi và thách thức. Bạn không xấu khi có một tâm hồn như vậy, thậm chí là hết sức cần thiết trong những trường hợp cần vượt qua dông bão cuộc đời. Tuy nhiên, khi có cảm xúc tiêu cực mà gồng lên như thế hàng ngày thì rất mỏi. Cần thư giãn và giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.

Nói thật, có nhiều lúc bác Đào chỉ muốn chửi cho hả dạ đám đông ngu ngốc ngoài kia, có lúc muốn vả sml những còm ác ý vì ngu. Nhưng cần phải kiềm chế để tránh tạo sơ hở cho kẻ khác diễn dịch. Đời vốn dở nhưng vẫn phải niềm nở là trạng thái này. Dattilo nói thêm:

"Nó - tư duy tích cực- thực sự tốt và làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn, nhưng nếu bạn làm quá, nó khiến chúng ta phát ốm."

thinkpositive-1622172534.png
Tư duy tích cực không phải lúc nào cũng có tác dụng tích cực. Ảnh: Internet.

Dattilo nói: “‘Nhìn về hướng tươi sáng khi đối mặt với bi kịch của những hoàn cảnh thảm khốc như bệnh tật, vô gia cư, mất an ninh lương thực, thất nghiệp hoặc bất công chủng tộc là một đặc ân mà không phải ai trong chúng ta cũng có được. Vì vậy, việc lan truyền thông điệp về sự tích cực phủ nhận cảm giác tuyệt vọng và vô vọng rất thực tế, và chúng chỉ nhằm mục đích xa lánh và cô lập những người đang gặp khó khăn."

Tôi vẫn phải nhắc mình luôn mỗi khi mình có những phán đoán đạo đức hay hô hào sự tích cực:

"Những kẻ nói chuyện đạo đức thường sống như L." (xin lỗi L.)

Không phải tôi ác cảm với đạo đức, chỉ là ý thức được rằng để có đạo đức là một điều hết sức khó khăn trong tình hình hiện nay. Những người nói trơn tru dường như không ý thức được vấn đề gai góc này và đánh giá bản thân quá cao khi chưa từng trải nghiệm những nan đề đạo đức.

"Đạo cao một thước, ma cao một trượng". Tôi thỉnh thoảng vẫn ngượng mỗi khi hồi tưởng lại những cơn "Virtue Signaling" của mình. (Virtue Signaling- những điều đức hạnh. Toà soạn dịch thoát).

Thái tử Tất Đạt Đa trước khi thành Phật đã hưởng hết vinh hoa, phú quý trên đời, phải trải nghiệm đủ những khó khăn những thứ phi đạo đức ở tận cùng mới dám nói về sự tích cực. Còn không, nên cố gắng im miệng, lâu rồi đời mình sẽ qua! Tuy nhiên, không phải vì thế mà xiển dương hay bào chữa cho những tiêu cực diễn ra. Vấn phải nhận diện, đấu tranh nhưng trong một chừng mực cần phải phản tư liên tục. Thấy sự xấu xa của bản thân trong đó.

Stephanie Preston, giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan tại Ann Arbor nhận định:

“Đó là một vấn đề khi chúng ta buộc phải có vẻ hoặc tích cực trong những tình huống không tự nhiên hoặc khi có một vấn đề cần được giải quyết mà không thể giải quyết được nếu bạn không đối điện với một thực tế rằng bạn đang tiêu cực.”

Tự tri (self-awareness) là một kỹ năng và năng lực cần thiết của một công dân thế kỷ 21 trước những bất trắc khôn lường, những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Mà tự tri bắt đầu bằng việc nhận diện (identify) những cảm xúc cả tích cực và tiêu cực trong bản thân để có một cái nhìn "như thị" (hiện thực như nó là).

Lời toà soạn: Đào Trung Thành, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số, chiến lược Viễn thông – CNTT, Diễn giả chính, Tác giả "Hướng nghiệp 4.0", Coach. Bài viết trích dẫn nguyên văn từ Facebook tác giả.

Đào Trung Thành

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/tai-sao-suy-nghi-tich-cuc-positive-thinking-nhieu-khi-co-hai-a4247.html