Trao đổi với Người Đồng Hành, Kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống lúa, gạo ST24, ST25 cho biết việc ủy quyền cho Tập đoàn PAN đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST24, ST25 ở các thị trường nước ngoài quan trọng, cùng với đó là giao lại bản quyền sở hữu trí tuệ giống lúa tới Chính phủ nhằm nâng cao năng lực và nâng tầm, bảo vệ, gìn giữ, phát triển một thương hiệu nông sản Việt.
Ông Hồ Quang Cua. Ảnh: Dân Trí. |
- Ông đã dành nửa cuộc đời để nghiên cứu, lai tạo, phát triển và cho ra thị trường loại gạo ngon nhất nhì thế giới, điều gì đã khiến ông duy trì được nhiệt huyết này dù có nhiều thời điểm rất khó khăn?
- Tâm niệm nửa đời của tôi là phải tạo ra hạt gạo bổ dưỡng, thơm ngon để chúng ta cùng được thụ hưởng sự kết tinh của trời đất và bù lại công sức vất vả của hàng triệu nông dân.
Tôi đắn đo trả lời câu hỏi người ta (Thái Lan) làm được, tại sao mình không thể! Tuy nhiên, tôi chỉ là một kỹ sư. Cái nhìn của xã hội cuối thế kỷ XX coi kỹ sư chỉ là người thực hành, ứng dụng thành quả. Cụ thể chỉ là trồng cây, nuôi cá… Cho nên, tôi dấn thân vào sự nghiên cứu, là việc của viện, trường, khiến ít nhiều bị coi là trò cười. Trong khi đó, tôi lại thiếu thốn đủ thứ, thậm chí ban đầu quan điểm nghiên cứu cũng mơ hồ. Ở thời điểm đó, tôi như là người đi trong đêm! Cũng may, cần cù bù hơn 20 năm lao tâm, lao lực và bao lần tôi suýt phá sản đúng nghĩa. Sau những lần như vậy, tôi đã được sự tín nhiệm, hỗ trợ của nhiều người. Cuối cùng, đêm qua, ngày sáng rõ nét vào cuối năm 2019 ở Manila, Philippines!
Khi ST25 thành danh, tôi có suy nghĩ rằng gần trăm triệu người dân ta phải được thụ hưởng sản phẩm gạo ST25 đúng chuẩn, đúng chất lượng nhất. Qua đó mới cảm nhận được sự tự hào về khối óc, bàn tay cần cù, sáng tạo của người Việt - đã vượt qua hành trình tạo ngọc trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mặt.
- Gạo ST24, ST25 luôn trong tình trạng “cháy hàng”, là người hiểu rõ nhất sản phẩm của mình, ông có thể lý giải điều này?
- Cũng có nhiều người hỏi tôi yếu tố nào khiến gạo ST25 gây sốt thời gian qua. Tôi cho là hữu xạ tự nhiên hương. Gạo ST25 được trao giải thưởng gạo ngon nhất thế giới năm 2019 là một sự khẳng định được thẩm định về chất lượng. Tuy nhiên, thái độ người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định. Thời điểm này sự cảm nhận của người tiêu dùng trong và ngoài nước rất tốt. Tôi nêu ra để dễ nhìn nhận. Gạo ST25 có mùi hương kép là hương dứa phản phất hương cốm, cơm thơm, ngon, mềm dẽo không khô khi để nguội. Giá trị dinh dưỡng hàng đầu so các loại gạo trên thương trường. Kết quả này khác với suy nghĩ trước đây là thời gian dài sẽ tích luỹ những đặc tính mong muốn và cho kết quả cao hơn.
Đồng thời, cây lúa ST25 có phổ thích nghi rộng, chống chịu bệnh, chịu mặn, không quang cảm, năng suất cao và có thể gieo trồng quanh năm. Yếu tố này rất quan trọng, bởi người tiêu dùng sẽ có gạo mới quanh năm, khác với gạo thơm lúa mùa các nước khác.
- Nhưng đã có những phàn nàn của người tiêu dùng về chất lượng gạo ST25 không đồng đều trên thị trường?
- Muốn có hạt gạo có chất lượng tốt nhất đòi hỏi phải có hạt lúa giống chuẩn và tổ chức sản xuất theo quy trình canh tác - đó là kết quả của bao lần khảo nghiệm và hoàn thiện. Vì sao trên thị trường, chất lượng hạt gạo ST25 không đồng đều và không ít người tiêu dùng phải tìm mua cho được gạo ST25 do gia đình tôi kinh doanh?
Nguyên nhân do ban đầu khan hiếm lúa giống. Để có lúa giống chuẩn phải gieo trồng theo quy trình riêng. Tranh thủ nhu cầu của nông dân đang lên cao, nhiều người đã lấy lúa ST25 thương phẩm để bán làm lúa giống. Dù có chọn lựa lúa thương phẩm tốt nhất nhưng cũng khó đồng đều như lúa giống. Nông dân mua lúa này rẻ hơn và cũng không được hướng dẫn quy trình canh tác chuẩn.
Kết quả năng suất có thể vẫn tốt nhưng hương thơm, độ đồng đều hạt và một số yếu tố khác cũng sẽ kém hơn. Mặt khác, có người sử dụng lúa ST25 gieo trồng quy trình thông thường nhưng lại đóng gói là gạo hữu cơ như gieo trồng trên nền đất ao tôm và bán giá cao. Đó là một số nguyên nhân hết sức cơ bản để trả lời những bức xúc của người tiêu dùng hiện nay.
- Việc vi phạm sở hữu bản quyền giống lúa đã ảnh hưởng đến uy tín và nhãn hiệu của giống lúa, gạo ST25, tại sao ông không nhờ đến cơ quan chức năng?
- Vấn đề vi phạm sở hữu giống lúa là chuyện không mới, đã kéo dài rất lâu. Không ít giống lúa tốt rơi vào tình trạng này kéo dài dẫn đến mất uy tín với người tiêu dùng, khiến một thành quả tốt bị mai mốt. Cơ quan chức năng đâu có thờ ơ nhưng họ bị vướng bởi khe hở trong các luật và quy định hiện hành. Hậu quả, quỹ thời gian của tôi đáng lẽ tập trung cho việc nghiên cứu và kinh doanh nhỏ để có thêm kinh phí cho nghiên cứu và cuộc sống, nay phải lo chống đỡ tình trạng nói trên.
Bởi tôi không chống đỡ (dù biết kết quả không cao) thì công sức nghiên cứu bao năm của tôi có thể trở thành vô nghĩa, trở thành cơ hội trục lợi cho một nhóm người. Mọi người sẽ thắc mắc rằng trong nước chưa có đủ gạo ST25 đúng chuẩn để tiêu dùng thì làm sao có thể gây dựng uy tín, nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài.
Cho nên, dù nhận thức rằng tôi có trách nhiệm bảo vệ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 trên phạm vi quốc tế nhưng thâm tâm tôi lại âu lo cho những điều gần gũi, thiết thực và sống còn hơn, đó là bảo vệ sở hữu giống lúa ST25 nhưng tôi không thể. Đó là lý do vì sao tôi có ý định chuyển giao việc sở hữu bản quyền về các cơ quan của Chính phủ để quản lý tốt hơn.
Sản phẩm gạo ST24, ST25. |
- Vậy tại sao ông và gia đình lại lựa chọn Tập đoàn PAN để ủy quyền đăng ký ở nước ngoài mà không chọn đơn vị khác?
- Tôi và doanh nghiệp tư nhân của mình Hồ Quang Trí chưa có kinh nghiệm mua bán ở thị trường nước ngoài, tài chính và sự hiểu biết có hạn nên việc ủy nhiệm cho Tập đoàn PAN đăng ký nhãn hiệu gạo ST24, ST25 ở các thị trường lớn là việc nên làm và phải làm sớm để tránh xảy ra thêm những phiền toái, như phải tranh chấp nhãn hiệu chẳng hạn.
Bản thân tôi đã có nhiều lần tiếp xúc với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN và bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc. Qua đó tôi thấy lãnh đạo Tập đoàn PAN có quan điểm, hướng đi rõ ràng và có một ý chí mạnh mẽ trong việc thực thi lối đi của mình. Cụ thể, tôi nhận thấy Tập đoàn PAN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có hệ sinh thái liên kết khá hoàn chỉnh và hiệu quả. Tôi cảm nhận là mình có cùng quan niệm về sứ mệnh với Tập đoàn PAN là chung tay nâng tầm nông nghiệp Việt. Cho nên việc hợp tác, uỷ thác này không phải đơn thuần mang tính chất kinh tế mà vì thương hiệu Việt, vì quyền lợi chung của người tiêu dùng và quyền lợi chính đáng của bên tạo ra sản phẩm gạo phẩm chất cao. Mặt khác, theo tôi biết Tập đoàn PAN có bộ phận chuyên trách về Luật, am hiểu tình hình, thuận lợi cho việc xúc tiến nhanh các thủ tục đăng ký.
- Bên ông sẽ được lợi ích gì sau việc ủy nhiệm vừa nêu?
- Lợi ích thấy rõ ngay là tôi đã buông bỏ được một việc khó có thể cáng đáng, và Tập đoàn PAN sẽ gánh vác! Như đã nói ở trên, việc hợp tác này vì cùng góp sức xây dựng, giữ vững thương hiệu Việt cho nên yếu tố kinh tế không được quan tâm nhiều và không đáng nêu ra ở đây.
- Tóm lại, kỳ vọng qua hai sự kiện vừa nêu là gì, thưa ông?
- Việc ủy quyền cho Tập đoàn PAN đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST24, ST25 ở tất cả thị trường nước ngoài cũng như giao lại bản quyền sở hữu trí tuệ giống lúa tới cơ quan Chính phủ nhằm nâng cao năng lực và nâng tầm bảo vệ, gìn giữ, phát triển một nhãn hiệu. Có thể là một nhãn hiệu mạnh của người Việt và tạo nền tảng để người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trong nước được thụ hưởng một sản phẩm đúng chuẩn, để cảm nhận về một thành quả tốt đẹp, đáng tự hào kết tinh từ bàn tay, khối óc người Việt chúng ta.
Theo Ngọc Hà/NDH
Ngọc Hả
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cha-de-gao-st25-toi-da-buong-bo-duoc-viec-kho-nhat-a4173.html