Trung Quốc sẽ đẩy mạnh 5G tại Đông Nam Á

Trung Quốc muốn thúc đẩy nhanh chóng các tiến trình của hợp tác với khu vực ASEAN về công nghệ trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, và mạng viễn thông 5G.

Hội nghị Quốc tế Ngành Công nghiệp Thông minh ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: Dâng Phạm
Hội nghị Quốc tế Ngành Công nghiệp Thông minh ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: Dâng Phạm

Là một trong những bước kế hoạch của Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI), những cấm vận của Mỹ đang khiến các bước đi của Trung Quốc và tham vọng về Con đường tơ lụa kỹ thuật số trở nên khó khăn hơn. Bằng chứng là trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục vấp phải sự ngăn cản của Mỹ từ những lệnh cấm nhằm vào các công ty phát triển hệ thống 5G của Trung Quốc như Huawei hay ZTE.

Tại Hội nghị Quốc tế Ngành Công nghiệp Thông minh ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại TP.HCM ngày 27.5, Jinshan Liu, Phó Tổng Giám đốc Marketing mảng mạng lưới 5G của Huawei chia sẻ, từ tháng 4.2019, 5G đã được triển khai tại một vài nước trên thế giới. “Chúng tôi có những chương trình đầu tiên, giấy phép thực hiện 5G từ tháng trước. ⅔ trong tổng số mạng 5G trên thế giới là do Huawei phát triển”, ông nói.

Ông Jinshan cho biết thêm: “Cuối tháng 6.2019, Huawei đã kí tổng cộng 50 hợp đồng với các nước châu Âu để triển khai mạng 5G”. Mặc dù xuất phát từ Trung Quốc nhưng Huawei chưa có hợp đồng nào tại quê nhà vì Trung Quốc chưa có hành lang pháp lý phê duyệt cho 5G. “Chúng tôi mong muốn đưa ra các dịch vụ 5G càng sớm càng tốt, trễ nhất là vào tháng 9 năm nay”, Jinshan nói.

Với dân số hơn 600 triệu người và việc truy cập internet ngày càng dễ dàng, 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được xem là một nền kinh tế mới nổi có hạ tầng trong quá trình hoàn thiện. Khu vực Đông Nam Á cũng là nơi có lực lượng dân số trẻ dễ tiếp cận và nhanh chóng hấp thụ các công nghệ mới trên thế giới.

Từ lâu, Trung Quốc đã có những chiến lược hướng tầm ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Sáng kiến về BRI do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất vào mùa thu năm 2013 và được xem như “quyết sách kinh tế chính trị và đối ngoại quan trọng của Trung Quốc trong nhiệm kì lãnh đạo của thế hệ lãnh đạo thứ năm”. Theo đó, Trung Quốc muốn phát triển mối quan hệ hợp tác song phương với các quốc gia theo hai hướng gồm đường bộ và đường biển. Trong đó, Trung Quốc sẽ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối chính sách, tăng cường thương mại.

Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc muốn xây dựng Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) không biên giới. Nghiên cứu từ Viện Lowy (2017) đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang có ý định sử dụng BRI để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ máy móc của Trung Quốc. Theo kế hoạch hành động năm 2017 về Tiêu chuẩn hóa Hành chính Trung Quốc, quốc gia này sẽ thúc đẩy việc thực hiện tiêu chuẩn thống nhất với mạng 5G và các thành phố thông minh tại các quốc gia dọc theo BRI: “Các tiêu chuẩn sẽ phục vụ cho sáng kiến BRI như là cầu nối giữa phát triển đổi mới với việc thị trường hóa và công nghiệp hóa của chính những đổi mới đó”. Các công ty viễn thông như Huawei, China Mobile và ZTE đã gia tăng sự hiện diện của mình trong việc thiết lập nên các tiêu chuẩn quốc tế cho thiết bị và tổ chức vận hành mạng 5G. Ba trụ cột của DSR là: (i) xây dựng hệ thống thương mại điện tử và thanh toán điện tử; (ii) xây dựng các đô thị thông minh (smart city) và (iii) mạng viễn thông 5G.

Các chuyên gia cho rằng chính tham vọng muốn mở rộng ảnh hưởng đến các khu vực có nền kinh tế mới nổi của Trung Quốc khiến vị thế ảnh hưởng của các cường quốc khác như Mỹ cho rằng điều này có bị thể đe dọa.

Theo ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES) - vì BRI hiện đang vấp phải chỉ trích của nhiều quốc gia liên quan đến “bẫy nợ”, “tham nhũng” và “chất lượng thấp” nên tại diễn đàn Vành đai, Con đường lần thứ hai tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng 4.2019, Tập Cận Bình đã ít nhắc đến thành tựu mà tập trung vào các hứa hẹn cải thiện BRI.

Trung Quốc hứa hẹn một BRI được tân trang sẽ được giám sát và xem xét kỹ lưỡng hơn nữa. Những thay đổi thực sự sẽ không dễ dàng vì chúng liên quan đến chi phí cho Trung Quốc. Đảm bảo rằng các dự án mang lại nhiều lợi ích địa phương hơn, bằng cách thuê thêm nhân công địa phương, ví dụ, có nghĩa là thuê ít công nhân Trung Quốc hơn. Mang lại nhiều đối tác bên ngoài có thể có nghĩa là ít kiểm soát hơn đối với các chi tiết cụ thể của dự án. Tăng tính minh bạch sẽ khiến việc ủng hộ một số công ty nhất định và chuyển tiền "đối tác" trở nên khó khăn hơn. Mặc dù điều đáng khích lệ là các quan chức Trung Quốc đang nói chuyện cởi mở hơn về việc ưu tiên tính bền vững của nợ và tính bền vững môi trường, nhưng thay đổi thực sự sẽ đòi hỏi nhiều hơn là ký các văn bản tượng trưng. Những lời hứa này có hiệu quả về mặt chính trị nhưng sẽ vẫn trống rỗng nếu không có sự minh bạch và thực thi cao hơn.

Tạp chí Nhà Quản Lý phỏng vấn nhanh TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES) - Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý
TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES) - Ảnh: Bảo Zoãn/Nhà Quản Lý

Theo ông Thành, thương chiến sẽ khiến kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, luồng vốn sử dụng cho BRI có thể sẽ phải chặt chẽ hơn, ưu tiên cho các vấn đề trong nước. Nhưng BRI cũng là một lối thoát cho Trung Quốc trong thương chiến: hàng hóa xuất khẩu tìm được thị trường mới, dư thừa công suất có nơi tiêu thụ hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, với việc BRI vấp phải làn sóng xét lại - chủ yếu liên quan đến việc các khoản cho vay từ Trung Quốc đã vượt quá năng lực trả nợ của quốc gia đi vay, ông Tập Cận Bình đã phát biểu và đưa ra nhiều chỉ thị quan trọng để điều chỉnh cách thức tiến hành BRI trong thời gian tiếp theo, cụ thể BRI sẽ “tiến hành một cách sâu sắc hơn, thực tế hơn”. Như vậy bốn phương hướng căn bản của BRI thời gian tới sẽ bao gồm:

Thứ nhất, làm sao để BRI “sâu sắc hơn”, ám chỉ thời gian 5 năm qua mặc dù có thể nhiều nước đã ký MOU và nhiều dự án đã được ký kết nhưng mức độ tham gia của các nước đều chỉ dừng ở mức “biểu đạt ý chí” hơn là hợp tác thực chất. Nó cũng cho thấy sự tham gia của các nước đang phát triển nhiều hơn các nước phát triển và khiến Trung Quốc phải gồng mình trong các dự án cấp vốn.

Thứ hai, thúc đẩy BRI “thực tế hơn” ám chỉ nhiều dự án BRI vừa qua đã nằm ngoài các phạm vi BRI mà Bắc Kinh mong muốn thúc đẩy và do đó trở nên mang tính hình thức, như các dự án casino ở Campuchia hay khu nghỉ dưỡng.

Thứ ba, hướng BRI phát triển về chất lượng hơn quy mô – hàm ý thu hút các nước giàu có cùng tham gia.

Thứ tư, thúc đẩy DSR lên một mức mới so với đầu tư cơ sở hạ tầng khác.

Dâng Phạm


dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/trung-quoc-se-day-manh-5g-tai-dong-nam-a-a416.html