Nhân dịp đợt giảm lãi suất thứ 5 trong năm 2020 của Vietcombank nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trước hai thử thách cực đại của năm mang tên “đại dịch COVID-19” và “bão lũ-thiên tai”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đã trao đổi với báo chí về kết quả năm 2020 và dự báo cho năm 2021.
Thưa ông, năm 2019, Vietcombank đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục 1 tỷ USD để bước vào Câu lạc bộ Top 200 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất toàn cầu. Nhưng năm 2020, có người cho rằng hai thử thách cực đại mang tên “Đại dịch COVID-19” và “bão lũ - thiên tai” sẽ chặn đà tiến của Vietcombank, quan điểm của ông thế nào?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Trước khi đi vào trả lời câu hỏi, tôi thông tin thế này. Đúng là trong năm 2020 đại dịch COVID-19 đã gây ra những bất ổn chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu, đối với Việt Nam chúng ta lại có thêm cả khó khăn do thiên tai lũ lụt dị thường, trăm năm có một. Hệ thống Vietcombank đương nhiên sẽ chịu tác động lớn nếu không muốn nói là rất lớn. Trước bối cảnh đó, Vietcombank đã điều chỉnh linh hoạt định hướng điều hành và kiên định với những bước tiến vững chắc, vẫn là điểm sáng trong ngành ngân hàng khi nhìn vào các chỉ số cuối năm 2020, rất ấn tượng: Tín dụng tăng trưởng tới 14% và là năm đầu tiên Vietcombank có quy mô tăng trưởng tín dụng lớn nhất toàn ngành ngân hàng, cùng với đó chất lượng quản trị được nâng cao vững chắc, nợ xấu giảm chỉ còn 0,6% và trở thành ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất với tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong các Tổ chức tín dụng.
Chủ tịch HĐQT Vietocombank Nghiêm Xuân Thành. Ảnh:VGP/HT. |
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của hệ thống Vietcombank vẫn duy trì ổn định ở mức cao, tiếp tục là quán quân của toàn ngành và giữ vững vị thế là ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất, nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Như vậy, Vietcombank vừa duy trì kinh doanh tăng trưởng, kiểm soát chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh doanh ổn định với vai trò là một ngân hàng thương mại mang lại lợi ích cho cổ đông, vừa phát huy vai trò chủ lực của doanh nghiệp Nhà nước tiên phong chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn thông qua cung ứng lượng vốn lớn cho nền kinh tế cùng nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Vietcombank thực sự là “Nhà băng gánh đều hai vai” góp phần cùng ngành ngân hàng tích cực vào ổn định tình hình kinh tế xã hội trong bối cảnh cả nước đồng lòng khắc phục “khó khăn kép” để hoàn thành “mục tiêu kép”.
Vậy ông có thể chia sẻ nguyên nhân cơ bản nào đã giúp Vietcombank thành công “gánh đều hai vai” trước bối cảnh khó khăn kép này?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Trước hết đó là Vietcombank có định hướng chiến lược kinh doanh bài bản, được điều chỉnh nhạy bén, linh hoạt với diễn biến thị trường. Ngay từ đầu năm, Vietcombank đã xác định chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo chiều sâu, hướng đến an toàn, hiệu quả, bền vững. Hiện đại hoá công nghệ, chuyển đổi số đi liền với cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới cạnh tranh. Từ đó đã gia tăng được nguồn vốn đầu vào thấp, tăng hiệu quả; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tín dụng, phát triển mạnh tín dụng bán lẻ.
Bên cạnh đó, công tác quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng luôn được coi trọng hàng đầu nên chất lượng tín dụng được kiểm soát một cách thực chất.
Đặc biệt, qua nhiều năm Vietcombank đã xây dựng và thiết lập được cơ sở về tập khách hàng có chiều sâu và chất lượng nên mức độ suy giảm của khách hàng bị tác động không lớn. Đó chính là nền tảng để Vietcombank duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao so với thị trường trong khi vẫn đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Tài sản lớn nhất và quan trọng nhất của hệ thống Vietcombank chính là nguồn lực khách hàng với hơn 360.000 khách hàng doanh nghiệp và gần 17 triệu khách hàng cá nhân đang có quan hệ giao dịch.
Với Vietcombank, khách hàng được coi là trung tâm của mọi hoạt động và đáp ứng sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu xuyên suốt. Chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu và chia sẻ. Mọi chính sách, sản phẩm ngân hàng đều được thiết kế kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi, gia tăng tiện ích và chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Tất cả ý kiến góp ý, đánh giá, nhận xét của khách hàng đều được ghi nhận, tiếp thu và hoàn thiện.
Không chỉ vậy, ngân hàng có đội ngũ nhân lực tinh thông nghiệp vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh. Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn cả nước khó khăn chống đỡ đại dịch COVID-19 và thiên tai, Vietcombnak đã hỗ trợ, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống tiến tới phát triển kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Minh chứng rõ nhất chính là số lần và số tiền giảm lãi suất lịch sử (3.700 tỷ đồng) và tài trợ an sinh xã hội cho người dân (gần 400 tỷ đồng) trong năm 2020.
Nói đến ngân hàng là phải nói đến vay và nợ, ông đã cung cấp thông tin về vay. Còn nợ, liệu sang năm 2021, việc giãn nợ theo Thông tư 01 thì nợ xấu có bị ảnh hưởng không, thưa ông ?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Chắc chắn có bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với chính sách tín dụng thận trọng và kiểm soát rủi ro chặt chẽ, Vietcombank sẽ kiểm soát nợ xấu dưới mức 1%, mức thấp nhất trong các ngân hàng. Qua rà soát, đánh giá tình hình kinh doanh của các khách hàng có dư nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01 tại Vietcombank, với chính sách của Ngân hàng Nhà nước và sự hỗ trợ của Vietcombank thì cơ bản các doanh nghiệp đã ổn định và dần mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, có dòng tiền trả nợ theo kế hoạch cơ cấu lại nợ.
Xin ông cho biết một số chỉ tiêu chính của Vietcombank trong năm 2021 tới đây?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Nếu nói ngắn gọn về dấu ấn của Vietcombank trong năm 2020, tôi cho rằng ngân hàng đã thực hiện thành công cả 4 mục tiêu lớn. Đó là, chủ động trong phòng chống dịch hiệu quả cho hoạt động ngân hàng và khách hàng giao dịch; duy trì tăng trưởng kinh doanh ở mức cao, kiểm soát an toàn hoạt động cả hệ thống; hỗ trợ chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiên phong thực hiện trách nhiệm chủ trương về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay và quy mô tín dụng tăng trưởng mới lớn nhất ngành ngân hàng. Tiếp tục duy trì được mức tiền hỗ trợ lớn tham gia đóng góp vào công tác an sinh xã hội trong năm 2020; là ngân hàng nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Trong khó khăn chung, Vietcombank lại càng khẳng định là ngân hàng tiên phong thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành ngân hàng; đồng thời tạo thêm nhiều nền tảng vững chắc để chinh phục mục tiêu vươn ra biển lớn, hội nhập thành công với khu vực và quốc tế.
Do sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự đồng lòng nỗ lực của DN và người dân, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương khả quan là 2,91%. Quan trọng hơn, Việt Nam đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%.Với dự báo kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm 2021, Vietcombank đã đặt ra kế hoạch với một số chỉ tiêu cho năm 2021 như sau: Huy động vốn tăng 8%; tín dụng tăng trưởng tối thiểu 12%; tỉ lệ nợ xấu dưới 1% và Lợi nhuận trước thuế tăng 12%. Giữ vững vị trí là ngân hàng kinh doanh hiệu quả cao nhất và ngân hàng nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chấp thuận việc thành lập 5 chi nhánh và 2 phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB).Theo đó, 5 chi nhánh được thành lập tại các tỉnh, thành phố gồm: Chi nhánh Đông Hải Phòng tại thành phố Hải Phòng; Chi nhánh Bắc Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng; Chi nhánh Sơn La tại tỉnh Sơn La; Chi nhánh Bắc Đắk Lắk tại tỉnh Đắk Lắk; Chi nhánh Hậu Giang tại tỉnh Hậu Giang. Hai phòng giao dịch được mở mới tại tỉnh Tuyên Quang và Bình Phước. |
Hữu Kiên (thực hiện)
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vietcombank-va-hanh-trinh-tro-thanh-nha-bang-ganh-deu-hai-vai-a4112.html