Ngày Tết đang tới gần, với nhiều người việc uống rượu bia trong các bữa tiệc liên hoan cuối năm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, uống rượu bia gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, những tác động đó có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn uống không đúng lúc. Dưới đây là 7 thời điểm bạn không bao giờ nên uống rượu để tránh gây nguy hại đến cơ thể.
Khi hồi hộp, căng thẳng
Nhiều người khi rơi vào trạng thái tinh thần bất ổn thì lại tìm đến rượu hoặc các loại đồ uống có cồn. Tuy nhiên điều này rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn và sẽ không giúp tình hình được cải thiện. Ngược lại, nó có thể làm tăng cảm giác lo lắng, căng thẳng và tuyệt vọng.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rượu thực sự có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của căng thẳng. Nguyên nhân là bởi rượu kích thích giải phóng các hormone căng thẳng như cortisol, đồng thời thay đổi cách cơ thể nhận thức và phản ứng với căng thẳng.
Tốt hơn hết bạn nên tìm đến các hoạt động lành mạnh như thiền hoặc tập thể dục để giải tỏa tinh thần.
Khi đang trên máy bay
Theo phòng khám Cleveland (Mỹ), độ ẩm thấp và không khí lưu thông trong cabin máy bay có thể dẫn đến mất nước nhanh hơn trên đất liền. Rượu là chất lợi tiểu, nghĩa là nó sẽ làm tăng lượng chất lỏng mà cơ thể bạn thải ra ngoài.
Không khí khô trên máy bay cùng với việc đi vệ sinh thường xuyên khiến tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn. Mất nước là một trong những lý do chính khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, cồn cào sau khi hết cơn say.
Không những vậy uống nhiều rượu còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng nếu trên máy bay không có đủ trang thiết bị y tế để cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Khi đang dùng thuốc an thần, kháng sinh, giảm đau
Các loại thuốc an thần như thuốc ngủ thường hoạt động bằng cách làm suy nhược hệ thần kinh trung ương. Khi bạn dùng thuốc an thần các chức năng quan trọng như nhịp thở và nhịp tim sẽ chậm lại. Chính điều này khiến bạn cảm thấy thư giãn hơn hoặc buồn ngủ.
Trong khi đó rượu bia cũng là một chất gây suy nhược hệ thần kinh trung ương. Cùng lúc dùng 2 thứ này có thể khiến người bệnh cảm thấy cực kỳ buồn ngủ, mất phương hướng và không tỉnh táo. Trong một số trường hợp, uống rượu khi đang dùng thuốc an thần có thể gây co giật, khó thở, bất tỉnh và tử vong.
Ngoài ra không nên uống rượu bia trước hoặc sau khi dùng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen. Rượu bia có thể tương tác với ibuprofen gây chảy máu dạ dày. Uống rượu bia khi đang dùng acetaminophen có thể gây tổn thương gan khi uống với lượng lớn.
Bên cạnh đó uống rượu khi đang dùng thuốc kháng sinh cũng là điều không được khuyến khích vì nó có thể làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ. Một số hậu quả không mong muốn đó là làm tăng nhịp tim, nôn, buồn nôn,… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và niềm vui trong ngày Tết.
Khi đang có ý định mang thai
Rượu, bia và đồ uống có cồn nói chung có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai ở nữ giới và giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Theo phòng khám Mayo (Mỹ), những người muốn lên chức cha mẹ nên tránh uống rượu ngay cả trước khi thụ thai. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ uống từ 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ vô sinh cao hơn. Với các quý ông, uống rượu bia có liên quan đến việc giảm chất lượng tinh dịch và khả năng di chuyển của tinh trùng. Do đó, bạn nên ngừng uống rượu bia để sớm có những đứa con khỏe mạnh.
Khi lái xe
Rượu bia ảnh hưởng đến khả năng lái xe vì nó làm chậm thời gian phản ứng, giảm kỹ năng phối hợp, sự tập trung, giảm thị lực và khả năng phán đoán.
Uống rượu bia dù với lượng bao nhieu cũng đều có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nói chung, uống rượu bia khi lái xe vừa không tốt cho sức khỏe vừa vi phạm pháp luật.
Khi cần một giấc ngủ ngon
Uống chút rượu vào buổi tối có thể giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ nhanh hơn nhưng đó không phải là ý hay để có một giấc ngủ chất lượng.
Tiêu thụ rượu bia trước khi ngủ có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa chu kỳ giấc ngủ Non-REM (non rapid eye movement, giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và giấc ngủ REM (rapid eye movement, giấc ngủ chuyển động mắt nhanh). Điều này sẽ khiến bạn mệt mỏi, buồn ngủ và kém tập trung vào ngày hôm sau.
Khi bụng đói
Sau khi đi vào cơ thể, rượu được hấp thu nhanh vào đường tiêu hoá, 20% ở dạ dày, gần 80% xuống ruột non và đi vào máu. Nếu dạ dày của bạn trống rỗng, rượu sẽ đi thẳng xuống ruột non dễ gây say.
Hơn nữa khi đói lượng đường trong máu giảm do cơ thể sản xuất quá nhiều insulin đáp ứng hàm lượng đường trong rượu. Lúc này rượu sẽ gây kích thích dạ dày, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi vào hôm sau.
Đặc biết uống rượu khi đói làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu. Methanol trong rượu vào cơ thể được chuyển hóa thành chất độc, phát tác chậm dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo trước khi uống rượu chúng ta nên ăn trứng, rau xanh, dưa chuột, uống một ít sữa để hạn chế phần nào tác hại của rượu. Ngoài ra mỗi người cũng nên thường xuyên rèn luyện thể thao để cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/du-bi-ep-cung-dung-nen-uong-ruou-vao-7-thoi-diem-nay-keo-hoi-han-a4110.html