Alan Krueger, người vừa qua đời vào ngày 16.3 vừa qua, là một trong những nhà kinh tế hiếm hoi thoát ra khỏi tháp ngà và không ngừng lao vào thế giới thực, nơi con người vẫn sống để khai quật lên những hiểu biết quan trọng và gây tranh cãi thành nhiều chủ đề khác nhau như mức lương tối thiểu, đại dịch opioid, bất bình đẳng kinh tế, hay thậm chí nhạc rock & roll.
lan Bennett Krueger sinh ngày 17.9.1960 và lớn lên ở Livingston, bang New Jersey (Mỹ). Ông theo học tại Đại học Cornell với ý định trở thành luật sư, nhưng trong khi phân tích dữ liệu cho một bài nghiên cứu cấp đại học, ông nhận ra mình thích công việc có tính thực nghiệm. Sau khi tốt nghiệp Cornell năm 1983, ông theo học ngành kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông lấy bằng tiến sĩ năm 1987.
Krueger có mối quan hệ gắn bó với Washington. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Clinton, ông là nhà kinh tế trưởng tại Bộ Lao động Mỹ. Sau đó, ông tạm rời Washington trong một thời gian dài, nhưng ngay sau khi ông Barack Obama nhậm chức vào năm 2009, tân tổng thống đã chọn Krueger làm trợ lý Bộ trưởng Tài chính về chính sách kinh tế. Công việc của ông chủ yếu tập trung vào thị trường lao động và việc các chính sách ảnh hưởng đến người dân như thế nào. Sau một thời gian ngắn trở lại Đại học Princeton làm việc, ông quay về Washington với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế, nơi ông thúc đẩy chính quyền tập trung vào các vấn đề bất bình đẳng và cơ hội kinh tế.
“Alan sâu sắc hơn là những con số trên màn hình và biểu đồ trên trang giấy”, Obama từng nói trong một bài phát biểu. “Ông coi chính sách kinh tế không phải vấn đề của các lý thuyết trừu tượng mà là cách để làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn”. Đối với Krueger, các con số không chỉ là những thống kê khô khan. Chúng có khả năng kể những câu chuyện về tình trạng đau đớn của người dân khiến ông không thể an lòng. Quyết định từ giã cuộc đời ở tuổi 58, Krueger để lại nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế học. Phần lớn trong đó thể hiện sự quan tâm của ông dành cho những thành phần yếu thế trong xã hội và sự bình yên trong cuộc sống của con người.
Krueger có lẽ được biết đến nhiều nhất với việc thách thức niềm tin lâu đời rằng tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao hơn. Năm 1993, Krueger và David Card, nhà kinh tế học của Đại học Princeton, đã nghiên cứu thực địa về ngành công nghiệp đồ ăn nhanh ở cả hai bên biên giới tiểu bang giữa New Jersey và Pennsylvania vào cuối những năm 1980 sau khi New Jersey tăng mức lương tối thiểu và Pennsylvania thì không.
Trái với nguyên tắc kinh tế học chính thống, Krueger và Card tập hợp dữ liệu thực nghiệm cứng cho thấy việc làm thực ra đã tăng lên ở New Jersey khi tiền lương tăng và việc làm giảm đi ở Pennsylvania mặc dù mức lương thấp hơn. Trên thực tế, trong một số điều kiện, việc tăng mức lương tối thiểu thực ra có thể thúc đẩy việc làm, dựa trên logic lập luận căn bản của họ là các công ty có thể chọn trả lương thấp với tỉ lệ bỏ việc cao và mất nhiều thời gian để tìm người mới hoặc trả lương cao và tỉ lệ nghỉ việc ít hơn và lấp đầy chỗ trống nhanh hơn. Kết quả nghiên cứu này đã gây ảnh hưởng lớn đến giới kinh tế học và cho thấy tầm quan trọng của việc các lý thuyết cần được chứng minh thực nghiệm.
Trong một nghiên cứu năm 2011, Krueger và một đồng nghiệp người Thụy Điển đã khảo sát hơn 6.000 người thất nghiệp ở New Jersey mỗi tuần vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010, ghi lại chi phí tinh thần của tình trạng thất nghiệp. Qua thời gian, họ nhận thấy người lao động trở nên chán nản và dành ít năng lượng hơn cho việc tìm việc làm, do đó có khả năng kéo tỉ lệ việc làm xuống ngay cả sau khi nền kinh tế được cải thiện.
Krueger và Mueller đưa ra ba lời giải thích cho tình trạng giảm thời gian tìm việc. Thứ nhất, người lao động có thể đã thử xin hết các công việc khả quan. Thứ hai, kỹ năng tìm kiếm của họ có thể tốt hơn và cần ít thời gian hơn để theo dõi và phản hồi lại các mẫu quảng cáo. Thứ ba, họ có thể đã nản lòng bỏ cuộc tìm kiếm.
“Phân biệt được các lý do này là rất quan trọng, vì hành vi theo sau có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài sau khi thị trường việc làm đã cải thiện”, Krueger và Mueller viết.
Đi sâu vào nghiên cứu về giáo dục, trong một nghiên cứu năm 2003, Krueger nhận thấy rằng trẻ em đạt thành tích tốt hơn trong cuộc sống nếu chúng dành ít nhất một năm trong một lớp học nhỏ gồm 15 học sinh hoặc ít hơn trước khi vào lớp bốn.
Krueger cùng đồng sự Diane Whitmore theo dõi điểm SAT và ACT của các học sinh ở bang Tennessee khi các em tốt nghiệp trung học và chứng minh rằng các học sinh trong các lớp học nhỏ trong bốn năm học đầu tiên có điểm số trung bình cao hơn so với các em theo học các lớp quy mô thông thường trong những năm đầu đến lớp.
Ông cũng phát hiện ra rằng quy mô lớp học nhỏ có thể rút ngắn một nửa khoảng cách thành tích giữa học sinh da trắng và da đen, đồng thời mang lại lợi ích về lâu dài cho học sinh cũng như cả nền kinh tế, bao gồm các yếu tố về thu nhập, sức khỏe, tình trạng tội phạm.
Đến năm 2011, ông tiếp tục phát hiện ra rằng học sinh da trắng thuộc tầng lớp trung lưu thực ra không được hưởng lợi nhiều từ việc theo học các trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, học sinh da đen và gốc Tây Ban Nha và các em đến từ các gia đình ít trí thức hơn theo học các ngôi trường nổi tiếng lại có thu nhập tăng đáng kể. Tại sao? Có lẽ họ được hưởng lợi từ các mối quan hệ nghề nghiệp mà họ không thể có nếu không theo học những ngôi trường đó. Hoặc có lẽ họ có được những thói quen hay kỹ năng mà những sinh viên trung lưu và giàu có đã có được từ trường trung học hoặc tại nhà.
Lập luận cốt lõi của Krueger rằng bất bình đẳng thu nhập gia tăng liên tục có khả năng dẫn đến bất bình đẳng về cơ hội và đây là tin xấu cho cả nền kinh tế rất quen thuộc với các nhà kinh tế phát triển. Theo một nghiên cứu năm 2011 của ông, bất bình đẳng gia tăng là mối nguy hiểm không chỉ đối với tầng lớp trung lưu, mà còn nguy hiểm đối với sự phục hồi từ cuộc Đại suy thoái và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Mỹ. Krueger cho thấy sự phân cực trong thu nhập ở Mỹ đã thu hẹp đáng kể tầng lớp trung lưu và thu nhập của hộ gia đình trung bình ngày nay thấp hơn so với 10 năm trước. Dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới cho thấy mối liên quan giữa gia tăng bình đẳng và tăng trưởng kinh tế và giữa bình đẳng thu nhập và tính vận động trong nền kinh tế.Theo Krueger, vấn đề bắt đầu vào cuối những năm 1970. Từ năm 1979 đến 2008, thu nhập ở Mỹ tăng trưởng đều đặn - trung bình khoảng 10.401 USD trên đầu người. Nhưng tất cả sự tăng trưởng thu nhập đó thuộc về 10% tốp đầu và tốp 1% giàu nhất có thu nhập hằng năm tăng hơn 1.100 tỉ USD. Quốc gia trở nên giàu có hơn đáng kể, nhưng 90% tốp dưới không có cùng mức tăng trưởng đó - thực tế, thu nhập của nhóm này bị giảm.Krueger đã chỉ ra một số nguyên nhân góp phần vào sự bất bình đẳng đang gia tăng này, bao gồm toàn cầu hóa, thứ đặt người lao động Mỹ vào thế cạnh tranh với lực lượng lao động lương thấp và đông đảo hơn ở các nước đang phát triển, chính sách thuế, không tăng lương tối thiểu và công đoàn suy yếu. Nước Mỹ có thể không có quyền lựa chọn có để nền kinh tế của mình gắn kết chặt chẽ với phần còn lại của thế giới hay không, nhưng các vấn đề như chính sách thuế, lương tối thiểu và công đoàn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền.
Trong ít nhất một thập niên, Krueger nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố thông qua các biến số kinh tế và về cơ bản kết luận rằng tỉ lệ thất nghiệp, trình độ giáo dục và tiền lương không phải là yếu tố dự báo khủng bố; thay vào đó là đàn áp chính trị.Phía cầu giải thích tại sao những kẻ khủng bố thường được giáo dục nhiều hơn. Nghiên cứu của Krueger cho thấy các phần tử tự xưng Hezbollah có thu nhập và trình độ giáo dục cao hơn so với người Lebanon thông thường. Những kẻ đánh bom tự sát Palestine cũng được giáo dục tốt hơn; 60% theo học đại học, so với ít hơn 15% dân số nói chung. Ông cũng nhận thấy phần lớn thành viên al-Qaeda được giáo dục đại học và đào tạo ngành nghề có kỹ năng.Trong cuốn sách của ông viết năm 2007, What Makes a Terrorist: Economics and the Roots of Terrorism (tạm dịch: Điều gì làm nên khủng bố: Kinh tế học và gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố), Krueger rút ra một mô hình kinh tế của chủ nghĩa khủng bố. Ông đưa vào dữ liệu về nguồn gốc quốc gia của hàng trăm vụ tấn công khủng bố quốc tế đáng chú ý từ 1997 đến 2003 và phát hiện ra nhiều chỉ số kinh tế xã hội - bao gồm mù chữ, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và GDP bình quân đầu người - không tương quan với chủ nghĩa khủng bố. Ông cho rằng, những kẻ khủng bố quốc tế có nhiều khả năng đến từ các quốc gia có thu nhập trung bình hơn là các quốc gia đói nghèo.Cho đến năm 2007, Krueger đã nghiên cứu 311 chiến binh nước ngoài bị Mỹ bắt ở Iraq và kết luận rằng các quốc gia có GDP bình quân đầu người cao thực chất có nhiều khả năng có công dân tham gia nổi dậy hơn là các nước nghèo hơn. Điều này dường như xác minh những gì Krueger đã viết: “Hầu hết những kẻ khủng bố không nghèo đến mức không còn mục đích sống. Thay vào đó, họ là những người cực kỳ quan tâm đến mục đích sống đến nỗi họ sẵn sàng chết vì nó”.
Vậy biến số phụ thuộc thực sự ở đây là gì? Theo Krueger, các quốc gia có mức độ tự do dân sự thấp nhiều khả năng là các quốc gia có nguồn gốc của thủ phạm tấn công khủng bố. Sau khi nghiên cứu quốc tịch của 311 phiến quân nổi dậy ở Iraq, cả hai kết luận nói trên đều đúng.Krueger tin rằng việc chống lại các yếu tố từ phía cung (chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cuồng tín, bất bình mang tính lịch sử) không có khả năng thành công. Theo ông, chúng ta nên tập trung vào phía cầu như làm suy yếu khả năng tài chính và kỹ thuật của các tổ chức khủng bố, đồng thời bảo vệ quyết liệt và thúc đẩy các biện pháp phản kháng ôn hòa, từ đó sẽ làm giảm nhu cầu giải tỏa bất bình thông qua các biện pháp bạo lực.Tính chất tương tự lặp lại ở những kẻ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tích cực nhất. Kueger chỉ ra rằng, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các thành viên có giáo dục nhất trong xã hội và những người được trả lương cao thường cực đoan hơn và ủng hộ khủng bố hơn những người yếm thế nhất. Dân số mù chữ, thiếu việc làm thường không sẵn sàng bày tỏ ý kiến về các vấn đề chính sách, có lẽ vì họ có nhiều vấn đề cấp bách hơn phải lo tới. Chính sự thiếu tự do dân sự trong xã hội, thay vì nghèo đói quá mức, đã giúp thúc đẩy khủng bố.Krueger đề cập đến các hậu quả kinh tế và tâm lý của chủ nghĩa khủng bố và cho thấy nền kinh tế lớn của nước Mỹ đủ đa dạng và đủ sức chống chọi với các tác động tương đối hạn chế của hầu hết các cuộc tấn công khủng bố. Ông cũng kêu gọi các phương tiện truyền thông có trách nhiệm hơn trong việc đưa tin về khủng bố.
Bài viết: Đông Phan
Ảnh: Yahoo.com
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - Kinh tế học vì con người
vutuan
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/kinh-te-hoc-vi-con-nguoi-a407.html