Thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp không đồng tình với kế hoạch tăng lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng vào năm 2020.

Chiều 11.7.2019, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5% so với năm 2019.

Lương tối thiểu, theo định nghĩa của Tổ chức lao động thế giới (ILO) là mức thù lao tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho công việc được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích của tiền lương tối thiếu là để bảo vệ người lao động, giúp họ không phải nhận mức lương quá thấp.

Trên cơ sở đó, tăng lương tối thiểu thường được tiến hành với lý do giúp người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu tại Việt Nam đang gánh nhiều hơn trọng trách đảm thu nhập tối thiểu đó. Lương tối thiểu đang là cơ sở để người lao động và doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…

Các doanh nghiệp trong khu vực miền Tây Nam Bộ tuyển dụng với số lượng lớn công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng ngay sau khi Mỹ Phong sa thải hơn 10.000 công nhân (Ảnh: Bảo Zoãn - Nhà Quản Lý)
Các doanh nghiệp trong khu vực miền Tây Nam Bộ tuyển dụng với số lượng lớn công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng ngay sau khi Mỹ Phong sa thải hơn 10.000 công nhân (Ảnh: Bảo Zoãn - Nhà Quản Lý)

Thu nhập hàng tháng của người lao động nhận lương tại nhiều doanh nghiệp đang cao hơn nhiều so với mức tối thiểu vùng mà nhà nước đang áp dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động Công ty giày Mỹ Phong (một doanh nghiệp FDI tỉnh Trà Vinh) ở mức 4-6 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng các huyện có nhà máy của công ty chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Ngay sau khi hơn 10.000 lao động Mỹ Phong thất nghiệp do đối tác giải thể, hàng loạt doanh nghiệp đã đến huyện Tiểu Cần (một trong hai nhà máy của Mỹ Phong đóng tại đây) để tuyển dụng, với mức lương/thu nhập đề xuất từ 7 - 8 triệu đồng/tháng cho các công việc không cần kỹ năng, không cần đào tạo trước.

Với các doanh nghiệp mà thu nhập người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu, tăng lương tối thiểu sẽ là gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp khi số tiền trích nộp các khoản bảo hiểm sẽ tăng theo. Hiện tại, doanh nghiệp đang phải đóng 23,5% mức lương tính bảo hiểm cho các khoản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí công đoàn. Trong khi đó, người lao động phải đóng 11,5% mức lương cũng cho các chi phí nói trên.

Các khoản bảo hiểm mà người lao động và doanh nghiệp phải đóng (Ảnh: Hiệp hội Dệt may Việt Nam)
Các khoản bảo hiểm mà người lao động và doanh nghiệp phải đóng (Ảnh: Hiệp hội Dệt may Việt Nam)

Đối với các doanh nghiệp nhận lương ngân sách, hạch toán lương theo thang bảng lương của nhà nước, việc tăng lương tối thiểu ngay lập tức sẽ tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp chỉ dùng mức lương tối thiểu để tính bảo hiểm, việc tăng lương tối thiểu sẽ đồng thời giảm thu nhập thực tế của người lao động và tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trao đổi với Tạp chí Nhà Quản Lý, bà Hoàng Thị Lương, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp tư nhân có quy mô trên 700 người lao động (giấu tên) cho biết: “Thu nhập bình quân của lao động chúng tôi đương nhiên luôn cao hơn mức lương tối thiểu vùng đề ra của Nhà nước. Tuy nhiên, khi mức lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp không vì thế mà tăng lương nhân viên. Ngược lại, với cùng mức lương đó, cả doanh nghiệp và người lao động đều phải tăng mức đóng góp các chi phí bảo hiểm. Thu nhập người lao động vì vậy cũng giảm đi xung quanh 100 - 200 nghìn đồng mỗi tháng”.

Trong một công văn gửi Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng cần hoãn thời gian tăng lương tối thiểu vùng, giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2-3 năm/lần. Vasep cho biết, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp còn phải mất nhiều thời gian tính toán, điều chỉnh mức phí, mức trích nộp cho người lao động, một lần nữa gây tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Với mục đích đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động, Vasep đưa ra con số so sánh mức lương tối thiểu với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, nhận thấy tỷ lệ này ở Việt Nam đang tương đối cao. Như vậy, mức lương tối thiểu của Việt Nam phần nào đó đã đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, theo định nghĩa của ILO.

Thống kê lương tối thiểu và GDP bình quân tại một số nước (Nguồn: Vasep - số liệu tổng hợp đến năm 2016)
Thống kê lương tối thiểu và GDP bình quân tại một số nước (Nguồn: Vasep - số liệu tổng hợp đến năm 2015)

Thủy sản, dệt may, da giày là các ngành thâm dụng lao động lớn ở nước ta hiện nay. Với hàng nghìn công nhân, việc tăng chi phí bảo hiểm do tăng mức lương tối thiểu vùng sẽ gây ra những khó khăn, bất lợi, giảm sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Minh Thư

thunguyen

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/them-ganh-nang-chi-phi-cho-doanh-nghiep-a400.html