“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một chiếc laptop lại quan trọng thế này. Không có nó, tôi không thể làm bài. Tôi sợ mình có thể thi trượt. Gia đình tôi ngập trong nợ nần nên không thể nào mua được”. Ngày 2.11.2020, Aishwarya Reddy, cô sinh viên năm thứ hai tại trường nữ sinh Lady Shri Ram thuộc Đại học Delhi tự kết thúc cuộc đời mình. Trước đó vài tuần, Aishwarya viết những dòng trên trong lá thư gửi cho nam diễn viên Bollywood Sonu Sood.
Aishwarya từng đứng đầu các kỳ thi lớp 12 và giành được học bổng từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Sự ra đi của cô sinh viên giỏi 19 tuổi là bi kịch, nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo một hố sâu trong xã hội Ấn Độ mà ngay cả cái gọi là thời đại kỹ thuật số cũng không thể vượt qua, bất chấp lời tuyên bố của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech) về sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Do lệnh phong tỏa kéo dài, phân khúc edtech của Ấn Độ chứng kiến sự tăng đột biến về nhu cầu vào năm 2020. Sinh viên buộc phải chuyển sang học trực tuyến. Theo phân tích của Inc42 Plus, quy mô thị trường của edtech ở Ấn Độ được ước tính sẽ tăng 3,7 lần trong 5 năm tới, từ 2,8 tỉ USD (năm 2020) lên 10,4 tỷ USD (năm 2025). Các nhà đầu tư toàn cầu đang đặt cược vào lượng lớn trẻ em đang đi học của Ấn Độ và thúc đẩy định giá các công ty edtech của Ấn Độ, đứng đầu là BYJU’S.
Theo ông Prabhdeep Bedi, giám đốc tại công ty giải pháp trực tuyến Toppr, hầu hết người dùng của họ truy cập ứng dụng bằng thiết bị di động, phương tiện truy cập của phần lớn trong số 500 người dùng Internet tại Ấn Độ. “Học trực tuyến đặc biệt phù hợp với các hộ gia đình có thu nhập trung bình đến thấp hơn do tính tiện lợi và chi phí vừa phải”, ông cho biết. Tuy nhiên, thật khó để hiểu được sự lạc quan này, do sự chênh lệch thu nhập trong xã hội Ấn Độ. Và nếu thực sự, đây là một trở ngại lớn đối với các công ty khởi nghiệp edtech, thì liệu định giá cao ngất ngưởng của họ có phải đang xây trên nền tảng chông chênh?
Bức tường thu nhập
Khi học trực tuyến dần trở thành một phương thức học tập mặc định, một hộ gia đình Ấn Độ thu nhập trung bình dự kiến sẽ phải chi nhiều hơn cho các khóa học và dịch vụ edtech. Ngoài học phí, tài liệu học tập cho các khóa học, còn có chi phí để truy cập: thiết bị cao cấp, internet băng thông rộng tốc độ và gói gia tăng giá trị cho các dịch vụ edtech.
Bên cạnh đó, có sự khác biệt lớn về mức độ chi tiêu trung bình hàng năm của một hộ gia đình ở thành thị và nông thôn Ấn Độ. Chi tiêu trung bình năm ở nông thôn cho giáo dục mầm non hiện ở mức khoảng 5.600 INR trong khi các hộ gia đình thành thị chi tiêu nhiều hơn gấp 3 lần vào khoảng 14.500 INR. Ở cấp tiểu học, các hộ gia đình nông thôn Ấn Độ chi khoảng 3.454 INR mỗi năm học, trong khi các hộ gia đình ở thành thị có thể chi tới 13.500 INR mỗi năm học.
Theo ông Bedi, phần lớn khách hàng của công ty khởi nghiệp là các hộ gia đình có thu nhập hàng tháng trên 45.000 INR, những người có thể chi khoảng 2.000 INR mỗi tháng cho giáo dục trực tuyến – nên mức phí cho dịch vụ edtech là hoàn toàn đáp ứng được lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, sự thật phụ phàng đó là, nếu thu nhập hộ gia đình hàng năm của một cá nhân lớn hơn 13.000 INR mỗi tháng thì đã được tính vào nhóm 20% giàu nhất cả nước. Dựa vào phân tích đó có thể thấy rõ, khách hàng thực sự mà BYJU’S, Unacademy, WhiteHat Jr, Toppr nhắm vào thực sự nằm ở phân khúc nhỏ hơn rất nhiều so với tuyên bố.
Nền tảng nguồn vốn và cho vay
Bất chấp những nghi ngờ về tính tiếp cận, triển vọng của những người chơi edtech của Ấn Độ và dòng tiền đổ vào lĩnh vực này vẫn không suy giảm. BYJU'S mua lại WhiteHat Jr với giá 300 triệu USD đầy ấn tượng vào đầu năm 2020. Unacademy đăng quang ngôi vị kỳ lân với nguồn vốn 150 triệu USD từ Softbank.
Với nguồn tiền đầu tư được rót vào, các công ty edtech dùng mọi thủ thuật kinh doanh để tăng lượng khách hàng. Các bậc cha mẹ được rao bán ước mơ biến con họ thành doanh nhân và thiên tài tương lai – như “Sundar Pichai”, “Bill Gates” và thậm chí cả “Barack Obama kế tiếp” thông qua mạng xã hội và truyền hình. Bất chấp tuyên bố về khả năng chi trả và nhắm tới nhóm thu nhập phù hợp, các công ty khởi nghiệp edtech phải sử dụng một số hình thức tài trợ, tạo ra văn hóa cho vay tiền để học.
Unacademy, BYJU’S, WhiteHat Jr, Toppr và những edtech khác cung cấp các gói trả định kỳ hàng tháng qua thẻ tín dụng hay dịch vụ tài chính khác để hỗ trợ các bậc cha mẹ có thể không đủ khả năng chi trả học phí trong một lần. Đồng thời, một loạt các công ty khởi nghiệp cho vay như Eduvanz, Leap Finance hay ZestMoney đã tung ra các sản phẩm giúp các gia đình đáp ứng tham vọng mở rộng lượng khách hàng của edtech.
ZestMoney tuyên bố hồi tháng Bảy rằng hơn 57% số người chọn học chương trình nâng cao tay nghề đến từ nhóm thu nhập trung bình với khoản vay trung bình 6.700 USD. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả, là sự bùng nổ cho vay trong phân khúc từ mầm non đến phổ thông (K-12) để học các khóa học bổ sung như Lập trình, Tư duy Phản biện hay Robot học. “Ở phân khúc K-12, chúng tôi hợp tác được với 130-140 trường học, và đạt mức cho vay 3,5 - 4 triệu USD”, Varun Chopra, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Eduvanz cho biết.
Các nhà đầu tư, giáo viên và các chuyên gia đặt ra những câu hỏi này về tính bền vững của mô hình học trước - trả tiền sau, đặc biệt với các hộ gia đình ở mức thu nhập trung bình thấp. Roshan Mishra, một nhà phân tích chính sách và một giáo viên có 8 năm kinh nghiệm làm việc cho các công ty khởi nghiệp edtech như PlusPrep và Jamboree, cho biết: “Bất cứ khi nào cha mẹ vỡ nợ, các edtech sẽ khó thu hồi khoản vay thông qua kiện tụng và tỷ lệ thu hồi có thể giảm rất nhanh nếu có suy thoái kinh tế”.
Vấn đề đạo đức
Mặc dù sự sẵn có của các khoản vay cho giáo dục trực tuyến có thể giải quyết vấn đề tiếp cận bình đẳng, việc thu hồi khoản vay trở thành một nhiệm vụ tế nhị. Một người sáng lập khởi nghiệp nền tảng cho vay trực tuyến tương tự như Eduvanz cho biết: quy mô khoản vay được giải ngân cho người dùng ứng dụng edtech là “quá nhỏ” để khởi kiện trong trường hợp không trả nợ.
Eduvanz triển khai công nghệ hỗ trợ quá trình thu nợ bao gồm theo dõi dựa trên GPS thông qua ứng dụng di động. “Chúng tôi duy trì khả năng liên lạc với người vay, và theo dõi chuyển động của họ (sử dụng GPS). Chúng tôi cũng kiểm tra xem học sinh có ngừng tham gia các lớp học hay không, hoặc nếu thành tích của họ giảm sút, đó là một dấu hiệu báo trước. Mặc dù có cách tiếp cận thực để thu nợ, chúng tôi nghĩ rằng công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hồi các khoản vay trong 12-24 tháng tới”, Chopra của Eduvanz cho biết.
Giải pháp công nghệ dấy lên vấn đề đạo đức khi theo dấu cả cha mẹ và trẻ em cũng như tiến trình học tập chỉ để theo dõi các khoản vay. Tuy nhiên, đây dường như là biện pháp duy nhất cho thực tại khi chi phí giáo dục ngày càng tăng nhanh hơn mức thu nhập của các gia đình Ấn Độ.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, các bậc cha mẹ ngày nay đang dành phần lớn chi tiêu giáo dục để đảm bảo con cái được học ở trường chất lượng bằng cách chuyển chúng từ các trường công sang trường tư, và các số liệu thống kê rất đáng kinh ngạc. Ngay cả ở vùng nông thôn Ấn Độ, chi tiêu cho giáo dục đã tăng gần gấp đôi trong bốn năm qua”, Chopra cho biết. Ông nói thêm, trước kia tất cả chỉ là học phí, thì giờ đây, phụ huynh phải chi thêm tiền cho các thiết bị điện tử, trang phục, các hoạt động ngoại khóa và thậm chí cả ứng dụng edtech. “Đó đang trở thành một khoản chi phí rất cao đối với hộ gia đình trung bình phải xoay sở hàng tháng. Vì vậy, thay vì trả trước cho những thứ này, bây giờ bắt buộc phải có các khoản vay trả nợ định kỳ".
Ngay sau khi các trường học và cao đẳng mở cửa trở lại, lĩnh vực edtech sẽ phải đứng trước thử thách của việc học ngoại tuyến thông thường lại trở thành trọng tâm chính. Liệu sinh viên và các bậc cha mẹ có dồn chi tiêu cho edtech khi cuộc sống trở lại nếp bình thường sau đại dịch?
Ngay cả khi giả định rằng việc đến tận các trường học để nghe giảng đã là dĩ vãng, các công ty khởi nghiệp edtech sẽ phải sống sót sau đợt hạn chế chi tiêu khả năng cao sẽ xảy ra nếu sự phục hồi kinh tế của Ấn Độ không lý tưởng. Tương lai edtech đầy rẫy những đe dọa, nhưng hiện tại, các công ty khởi nghiệp edtech hiện không tập trung vào nguy hiểm tiềm tàng. Họ vẫn đặt tầm nhìn tuyệt vời dựa trên cơ sở phát triển nhanh đáng ghen tị, dù là những nền tảng chông chênh.
Cao Dung
caodung
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nen-tang-chong-chenh-a3947.html