Các hãng xe điện Trung Quốc tăng vốn đầu tư từ cổ phiếu trên thị trường Mỹ

Năm 2020, không chỉ cổ phiếu Tesla lên giá, các hãng xe điện Trung Quốc cũng huy động được nguồn vốn lớn trên thị trường Mỹ, nhờ sự quan tâm của nhà đầu tư với lĩnh vực xe điện.

Trong năm 2020, ba hãng sản xuất xe điện Trung Quốc bao gồm Nio, Xpeng Motors và Li Auto đã cùng nhau huy động được khoảng 12,5 tỉ USD trên thị trường Mỹ. Việc phát hành cổ phiếu thuận lợi như vậy được cho là nhờ ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực xe điện, nhất là khi cổ phiếu của đối thủ hàng đầu Mỹ Tesla lần đầu gia nhập nhóm cổ phiếu S&P 500.

Trung Quốc là nước đứng đầu về doanh số xe điện bán ra, theo báo cáo của Edison Electric Institute, dù tỉ lệ sử dụng xe điện còn kém xa so với các nước Bắc Âu. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển vô cùng lớn của lĩnh vực sản xuất xe điện nước này. Tuy nhiên, thị trường xe điện của Trung Quốc đang tiến đến bước ngoặt lớn, khi không còn khoản trợ cấp chính phủ quan trọng sau năm 2022 và những người chơi mới đổ xô vào tranh giành miếng bánh của phân khúc ô tô mới. Cả ba công ty Nio, Xpeng Motors và Li Auto mong muốn nhanh chóng nhận được số tiền huy động được ở Mỹ nhằm mở rộng mạng lưới bán hàng và kiếm lợi nhuận để sống sót được qua thời điểm 2022.

Nio, hãng xe điện được thành lập vào năm 2014, có nhà cung cấp dịch vụ internet Tencent Holdings là một trong số nhà đầu tư, đã huy động được 3 tỉ USD chỉ trong tháng Mười Hai thông qua các đợt chào bán cổ phiếu mới. Nhìn chung, trong năm 2020, Nio đã nắm chắc 6 tỉ USD từ các quỹ đầu tư mới, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư của chính phủ.

Nio nổi danh nhờ xe điện thể thao đa dụng (SUV) ES6, chiếc xe có giá khởi điểm 54.700 USD. Mặc dù có mức giá cao hơn mẫu Tesla Model 3 phổ biến, nhưng ES6 vẫn ngày càng được nhiều người ưa thích qua chia sẻ truyền tai kinh nghiệm.

"Có rất nhiều gia đình đang tìm mua chiếc ô tô thứ hai, hoặc những khách hàng trẻ tuổi ưa thích công nghệ cao", một đại lý xe ở Quảng Châu giải thích nguyên nhân chiếc SUV của Nio cháy hàng.

Nio đã bán được khoảng 37.000 chiếc xe trong 11 tháng đầu năm 2020, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù Nio vẫn còn kém xa Tesla, nhưng đã đứng thứ bảy trong thị trường xe điện chở khách Trung Quốc.

“Xe của chúng tôi tốt hơn xe chạy bằng xăng có mức giá tương tự”, Giám đốc điều hành công ty Nio, ông Li Bin khẳng định. Tuy vậy, Nio vẫn chưa có lợi nhuận. Công ty phải đối mặt với chi phí cố định lớn, một phần vì phải duy trì công suất 200.000 xe hàng năm. Công ty chứng khoán Guosen của Trung Quốc ước tính nhà sản xuất xe điện này cần đạt doanh số lên tới 180.000 chiếc mỗi năm mới có thể hòa vốn.

Công ty cho biết sẽ sử dụng vốn huy động vào tháng Mười Hai vào việc "nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới và thế hệ kế tiếp của công nghệ lái xe tự vận hành" cũng như "mở rộng mạng lưới bán hàng và dịch vụ”.

Nio cũng đặt mục tiêu mở rộng chương trình đổi pin, qua đó khách hàng có thể đổi pin đã sử dụng để lấy pin mới thay vì chờ sạc lại, lên đến 1.000 địa điểm so với khoảng 140 điểm đổi pin hiện tại. Việc xây dựng mỗi điểm đổi pin được cho là tốn khoảng 480.000 USD.

Một ưu tiên khác của Nio là mở rộng dòng sản phẩm ngoài ba mẫu hiện tại.

"Nio sẽ mất khách hàng trừ khi công ty có thể tiếp tục chào bán xe mới", theo ý kiến của ông Tang Jin tại Ngân hàng Mizuho.

Thị trường xe điện của Trung Quốc có thể được chia tạm thành hai phân khúc: phân khúc xa xỉ nhắm vào khách hàng mua lẻ và phân khúc tiết kiệm nhằm vào các nhà khai thác dịch vụ chia sẻ xe và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh khác. Mục tiêu của Nio là phân khúc thứ hai, tương tự như hai công ty đồng hương như Xpeng Motors và Li Auto.

Mặc dù Li Auto hiện mới chỉ sản xuất một mẫu xe plug-in hybrid (PHEV) nhưng hãng đang phát triển ô tô điện và cũng được coi như một hãng xe điện. Li Auto lần đầu niêm yết tại Mỹ vào tháng Bảy, trước Xpeng Motors một tháng. Hai hãng xe này sau đó đã huy động được hàng tỉ USD trên thị trường chứng khoán, mặc dù chỉ giới thiệu một số mô hình và không mang lại lợi nhuận.

Thương vụ gây quỹ thành công của các hãng xe Trung Quốc là một phần trong bối cảnh chung tăng mạnh sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực xe điện. Cổ phiếu của Tesla tăng hơn 600% vào năm 2020 và cổ phiếu hãng này vừa chính thức gia nhập Chỉ số S&P 500. Giá cổ phiếu của Nio cũng tăng vọt theo cấp số nhân trong năm nay. Ngay cả hãng điện thoại thông minh Apple cũng có lộ trình tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe điện, theo nguồn tin của hãng Reuters.

Trong vòng 11 tháng đầu năm, 1,12 triệu xe điện, xe chạy pin nhiên liệu và xe hybrid plug-in được tiêu thụ ở Trung Quốc. Doanh số bán xe gần như không biến đổi trong năm 2020 mặc dù xảy ra đại dịch COVID-19, và doanh số tháng Mười Một gấp đôi so với năm trước đó. Trung Quốc hy vọng tăng lượng mua xe điện bằng cách thúc đẩy bán hàng ở khu vực nông thôn và ưu tiên cấp biển số cho xe điện.

Cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ô tô ngày càng lớn. Các công ty nước ngoài như Volkswagen và Toyota có kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc, trong khi các công ty phi ô tô như nhà phát triển bất động sản Evergrande Group cũng đang tìm cách chen chân vào thị trường.

Chính phủ Trung Quốc dự định loại bỏ trợ cấp mua xe điện vào cuối năm 2022. Dù các khoản trợ cấp đã không áp dụng cho xe của hãng Nio, vì chúng có giá trên 300.000 nhân dân tệ, nhưng việc kết thúc trợ cấp có thể khiến toàn bộ thị trường xe điện yếu đi.

"Cạnh tranh giữa các công ty khởi nghiệp xe điện và các nhà sản xuất ô tô lâu đời sẽ nóng lên", một nhà phân tích cho biết. "Các công ty khởi nghiệp phải đối mặt với bài kiểm tra về tốc độ củng cố bộ khung bán hàng."

Các công ty như Nio cũng có thể bị tổn hại do căng thẳng Trung-Mỹ ngày càng gia tăng, với việc Washington thắt chặt các yêu cầu đối với các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

Theo Asian Nikkei Review

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-hang-xe-dien-trung-quoc-tang-von-dau-tu-tu-co-phieu-tren-thi-truong-my-a3946.html