Hồng Kông – không chỉ là dự luật dẫn độ

Sau 22 năm kể từ khi được Anh trao trả về Trung Quốc, đặc khu Hồng Kông đang trở thành tâm điểm của những xung khắc khó bề hóa giải.

Hồng Kông trong cuộc biểu tình ngày 26.6 (Ảnh: Bow LeTrinh)
Hồng Kông trong cuộc biểu tình ngày 16.6 (Ảnh: Bow LeTrinh)

“Bây giờ đã là 1997. Trước ngày 1 tháng 7, nếu chúng tôi chưa nhận được tường trình của anh, anh nghĩ anh vẫn được thăng cấp chứ?”

“Ở Trung Hoa có một câu châm ngôn: Nhà vua mới lên sẽ có quần thần mới. Nên có thể khi ấy ta sẽ bắt đầu lại từ đầu.”

“Anh nghĩ tâm lý của lực lượng cảnh sát sau năm 1997 sẽ ra sao?”

“Tôi mong luật pháp vẫn sẽ là chỗ dựa của tôi. Nhưng trên hết, tôi tin vào chính mình, thưa sếp!”

“Gia đình cậu đâu rồi?”

“Họ đã di tản.”

Những mẩu hội thoại này được nhặt ra từ Infernal Affairs 2 (Vô gian đạo 2), bộ phim tội phạm kinh điển của Hồng Kông. Dù nội dung không mấy liên quan đến ngày chuyển giao Hồng Kông từ sự quản lý của Anh sang chính quyền Trung Quốc vào năm 1997, thì vẫn bàng bạc trong đó những nỗi niềm. Niềm vui khi vùng lãnh thổ nhỏ bé lần đầu tiên thoát khỏi sự cai quản của ngoại bang để trở về với Trung Hoa. Nỗi lo âu khi chính trị thay đổi ngoạn mục, từ thiết chế dân chủ phương Tây sang chính quyền Bắc Kinh. Nỗi lo âu này là dễ hiểu, trong bối cảnh những biến cố ở Đại lục, chẳng hạn sự việc xảy ra tại Thiên An Môn năm 1989, vẫn như mới hôm qua. Không ít người đã di tản trong khi đại bộ phận vẫn ở lại, với niềm tin vào cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” vốn là một phần của cam kết chuyển giao.

Biểu tình tháng 6 ở Hồng Kông (Ảnh: Bow LeTrinh)
Người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ (Ảnh: Bow LeTrinh)

Nhất quốc lưỡng chế

Nhất quốc lưỡng chế (một quốc gia, hai chế độ) là nguyên tắc được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra vào thập niên 1980 để phục vụ cho các kế hoạch thống nhất Trung Quốc. Nó đã được áp dụng cho trường hợp của Hồng Kông. Điều 5, Chương 1, Luật Cơ bản Hồng Kông ghi rõ: “Các chính sách và hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ không được áp dụng tại Đặc khu hành chính Hồng Kông, và các chính sách tư bản cũng như lối sống trước đây sẽ được duy trì trong 50 năm”. Luật này được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 7 thông qua vào ngày 4.4.1990 và sau đó đã được Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Dương Thượng Côn ký phê chuẩn.

Luật Cơ bản Hồng Kông, một văn kiện mang tính hiến chế, giúp duy trì cơ chế đặc biệt của khu vực hành chính này. Theo đó, chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm về quốc phòng và ngoại giao, còn Hồng Kông duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục của Anh, các tổ chức, đảng phái... Với nền tảng pháp lý đó, Hồng Kông vẫn giữ được các đặc thù cơ bản của chính quyền kiểu phương Tây do người Anh thiết lập, trong đó có sự độc lập của tòa án, báo chí không bị chính quyền kiểm soát về nội dung, nhiều đảng phái tham gia tranh cử Lập pháp hội (nghị viện), các quyền về biểu đạt, hội họp.

Cũng theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, người đứng đầu Hồng Kông là Đặc khu trưởng, thay thế cho chức danh Thống đốc thời thuộc địa Anh. Ứng viên phải được ít nhất 150 phiếu bầu từ ủy ban bầu cử và chức vụ này được bầu bởi một ủy ban bầu cử gồm 1.200 chứ không phải theo cơ chế phổ thông đầu phiếu.

Đối với người dân và du khách ít quan tâm tới chính trị, tính độc lập tương đối về thể chế của Hồng Kông thể hiện trong những khía cạnh gần gũi đến không ngờ, chẳng hạn du khách tới Hồng Kông thì có thể thoải mái truy cập Facebook, Gmail trong khi ở Đại lục thì không. Hồng Kông có đội tuyển bóng đá riêng trong các giải đấu do Liên đoàn Bóng đá thế giới hoặc châu Á tổ chức.

Hồng Kông trong những ngày biểu tình (Ảnh: Bow LeTrinh)
Đường phố ở Hồng Kông trong những ngày biểu tình (Ảnh: Bow LeTrinh)

Dự luật dẫn độ 2019

Vào trung tuần tháng 6.2019, hàng trăm ngàn người tại Hồng Kông đã biểu tình rầm rộ để phản đối dự luật dẫn độ sắp được thông qua và phản đối Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga). Trước đó, dự thảo Luật Tương trợ tư pháp và Tội phạm đào vong sửa đổi năm 2019 của Hồng Kông được đưa ra để thay thế cho pháp lệnh về tội phạm đào tẩu hiện hành, vốn được thông qua từ trước thời điểm Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Pháp lệnh hiện hành nêu rõ sẽ không áp dụng dẫn độ hoặc tương trợ tư pháp trong vấn đề tội phạm đối với “chính quyền nhân dân trung ương, hay bất cứ chính quyền cấp địa phương nào thuộc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Nhưng với dự luật mới, điều khoản này sẽ thay đổi, và người phạm tội, nghi can tại Hồng Kông có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc.

Truyền thông khu vực viện dẫn vụ án mạng liên quan tới Chan Tong-kai (người Hồng Kông), người bị buộc tội giết bạn gái đang mang thai ở Đài Loan rồi bỏ trốn về Hồng Kông, để nêu lên tính cần thiết phải có luật dẫn độ. Trong vụ này, chính quyền Hồng Kông đã không thể đáp ứng yêu cầu dẫn độ từ Đài Loan do thiếu một hành lang pháp lý, đồng thời cũng không thể xử tội giết người đối với Chan vì người này không phạm tội trên đất Hồng Kông.

Ngược lại, luồng quan điểm phản đối bày tỏ quan ngại về nguy cơ chính quyền Trung Quốc sẽ can thiệp quá mức vào nền tư pháp và chính trị Hồng Kông thông qua dự luật mới. Nhiều ý kiến được phỏng vấn trên báo điện tử South China Morning Post (Hồng Kông) cho rằng, nếu dự luật được thông qua, những người bị dẫn độ sang Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ bị xét xử bởi một hệ thống pháp luật kém hoàn thiện hơn. Áp lực từ các cuộc biểu tình đã khiến nhà chức trách tạm hoãn thông qua dự luật dẫn độ và Đặc khu trưởng Carrie Lam công khai xin lỗi.

Có thể thấy, trong trường hợp của Dự luật dẫn độ, đã có hai luồng quan điểm xung đột. Những người đề xuất và ủng hộ dự luật cho rằng Hồng Kông không thể là nơi trú ẩn của tội phạm, nơi những nghi phạm trong các vụ án bên ngoài Hồng Kông đào thoát về đây để tránh bị xét xử. Luồng quan điểm chống dự luật cho rằng không thể phó thác việc xét xử cho hệ thống pháp luật của Trung Quốc vốn bị cho là thiếu minh bạch. Những người phản đối cũng cho rằng một khi dự luật trở thành luật có hiệu lực, chính quyền Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng, dễ dàng hơn trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến kinh tế, chính trị tại Hồng Kông. Tóm lại, theo những người phản đối, dự luật này sẽ làm tổn hại nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và sự độc lập tương đối về thể chế của Hồng Kông so với Trung Quốc.

Không chỉ là chuyện một dự luật

Thực ra, dự luật dẫn độ chỉ là một trong vô vàn những nguyên nhân biến những bất đồng âm ỉ thành các cuộc tuần hành rầm rộ. Vào năm 2014, hàng loạt cuộc biểu tình cũng đã nổ ra tại Hồng Kông để "đòi quyền dân chủ", tức đòi thực thi các cơ chế theo quy định tại Điều 5, Chương 1, Luật Cơ bản Hồng Kông nói trên. Cụ thể, những người biểu tình đòi quyền đề cử ứng viên cho chức Đặc khu trưởng vì họ cho rằng việc ủy ban bầu cử đề cử ứng viên cho chức danh này là thiếu dân chủ, đặc biệt là trong hoàn cảnh ủy ban bầu cử chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh. Cuộc biểu tình năm đó với ba lực lượng nòng cốt là Chiếm lĩnh Trung Hoàn, Học dân Tư triều và Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông đã tạo ra hiệu ứng sâu rộng tại Hồng Kông và cả trên bình diện quốc tế.

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cựu thủ lĩnh phong trào sinh viên biểu tình đòi dân chủ năm 2014, được trả tự do ngày 17.6 sau khi mãn hạn tù (Ảnh: Bow LeTrinh)
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cựu thủ lĩnh phong trào sinh viên biểu tình đòi dân chủ năm 2014, được trả tự do ngày 17.6 sau khi mãn hạn tù (Ảnh: Bow LeTrinh)

Làn sóng biểu tình năm 2014 và năm 2019 dù đối tượng phản đối khác nhau nhưng đều cho thấy một sự va chạm: một bên là những người đã sinh ra, được giáo dục và trưởng thành trong xã hội dân chủ kiểu phương Tây và phía bên kia là phương cách quản trị xã hội đặc trưng của Trung Quốc; một bên là nỗi lo ngại những giá trị vốn đã hình thành bền chắc tại mảnh đất nhỏ bé này sẽ ngày một hư hao; một bên là nỗi lo ngại nếu không có biện pháp kiểm soát thì Hồng Kông ở trong Trung Quốc rồi sẽ như một mối quan hệ đồng sàng dị mộng; một bên là nỗi lo Hồng Kông rồi đây sẽ nhang nhác như bao đô thị khác của Trung Quốc, người dân Hồng Kông rồi đây sẽ phải vô cùng cẩn trọng trước mỗi lời ăn tiếng nói; một bên là nỗi lo rằng sự khác biệt của Hồng Kông sẽ ngày một lớn làm nảy sinh mầm mống ly khai.

Kể từ ngày Hồng Kông được trao về Đại lục, đến nay đã 22 năm, những xung khắc ấy ban đầu vốn ngấm ngầm, càng về sau càng hiển lộ khi mà nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” ít nhiều bị thử thách. Không ít người chọn con đường đối mặt với thách thức, một số ít có điều kiện đã tìm miền đất mới để sinh sống.

Vật đổi sao dời

Đúng ngày này của 22 năm trước, ngày 1.7.1997, cuộc đổi thay thế kỷ đã diễn ra tại Hồng Kông. Trước đó, từ năm 1841 đến 1997, Hồng Kông đã trải qua ít nhất hai cơ chế dưới quyền quản lý của Anh, đó là thuộc địa và lãnh thổ phụ thuộc. Trong 156 năm, Hồng Kông nhỏ bé đã kịp trở thành một con hổ châu Á, với kinh tế phát triển vượt bậc. Văn hóa, nghệ thuật – đặc biệt là văn chương và điện ảnh – của vùng đất này cũng thành công rực rỡ, phần lớn nhờ vào không gian tự do sáng tạo luôn được duy trì.

Vào thời điểm chuyển giao, Hồng Kông chiếm 30% GDP của Trung Quốc. Nhưng trong vòng hai thập niên qua, sự phát triển bão bùng của Trung Quốc đã khiến tỉ lệ GDP của Hồng Kông chỉ còn 3% so với toàn quốc vào năm 2019. Sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, với thị trường hơn 1,4 tỉ dân của Đại lục là mảnh đất màu mỡ của các công ty ở Hồng Kông, đã làm cho cục diện đảo lộn. Theo thời gian, các đại gia Hồng Kông có một mối quan hệ làm ăn ngày càng bền chặt ở Đại lục. Thị trường hơn 1,4 tỉ dân cũng là mảnh đất màu mỡ cho phim ảnh, sách báo Hồng Kông. Chính sự biến đổi này đã tạo ra xung đột, giằng xé trong lòng đặc khu Hồng Kông, thậm chí trong lòng mỗi một con người. Một mặt, những giá trị sống, giá trị tự do không ngừng được gieo cấy trong một thế kỷ rưỡi vừa qua cần được vun bồi, củng cố. Mặt khác, tinh thần dân tộc, lợi ích mà nền kinh tế Trung Hoa mang lại là điều không thể cưỡng được. Cũng trong bối cảnh đó, người Hồng Kông, ở đặc khu và trên thế giới, chật vật với công cuộc níu giữ căn cước, bản sắc của mình.

Trong các cuộc biểu tình mới đây, có thể thấy vài ví dụ đặc sắc minh họa cho cuộc xung đột ấy. Trong khi Thành Long, một nghệ sĩ nổi tiếng Hồng Kông, từng bày tỏ quan ngại và mới đây dửng dưng trước các cuộc biểu tình, thì Châu Nhuận Phát, Huỳnh Diệu Minh, Hà Vận Thi và nhiều nghệ sĩ khác bày tỏ quan điểm ủng hộ quyền đấu tranh của người dân. Doanh giới cũng vậy, trong khi nhiều công ty lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Hồng Kông, không ít các đại gia khác công khai bày tỏ sự ủng hộ các bước đi như dự luật dẫn độ.

Vào tuần trước, sau các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân, doanh trại Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Thạch Cương lại mở cửa cho người dân Hồng Kông tham quan. Tại đây, khách quan được sờ tận tay một số loại vũ khí cũng như mục sở thị các màn tập luyện của lính Trung Quốc. Nhiều người dân thích thú chụp hình trước xe bọc thép, súng máy, trực thăng và tàu quân sự. Cùng lúc đó, bên ngoài kia, hàng trăm ngàn người đang chuẩn bị cho cuộc tuần hành kỷ niệm 22 năm ngày Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc, vào ngày 1.7.

“Nhà vua mới lên sẽ có quần thần mới”, nhân vật Lưu Kiến Minh trong Vô gian đạo 2 nói trong thời khắc sắp sửa chuyển giao. Hình ảnh những đứa trẻ Hồng Kông thích thú chụp hình trước các vũ khí, khí tài của quân đội Trung Quốc ở Thạch Cương được đặt cạnh hình ảnh các thanh thiếu niên đang xuống đường trong những ngày qua làm dấy lên câu hỏi: rốt cuột thì cái gì sẽ thay đổi? Hồng Kông sẽ dần hòa tan không dấu vết vào một Trung Quốc hùng mạnh hay sẽ trở thành hạt mầm để gieo vào cơ thể khổng lồ bạo liệt ấy những đổi thay? Những nghi ngại của các nhân vật trong Vô gian đạo 2, hóa ra, giờ lại hiển lộ trong cuộc sống này.

Bùi Thư

tamvu

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hong-kong-khong-chi-la-du-luat-dan-do-a382.html