Nhận định nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, "ông lớn" bán lẻ Nhật Bản công bố sẽ đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam.
Tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, kinh tế ổn định, khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ.
Takashimaya mới đây cho biết, Việt Nam sẽ là thị trường trọng điểm thứ hai của tập đoàn Nhật Bản này tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Trong đó, tòa nhà Saigon Centre ở trung tâm Quận 1 (TP.HCM) nằm trong kế hoạch trung tâm lớn thứ ba của Takashimaya tại khu vực.
Takashimaya hiện có khoảng 20 trung tâm thương mại tại Nhật Bản, Singapore, Thượng Hải, Đài Bắc và Việt Nam. Tiêu chuẩn của một trung tâm thương mại Takashimaya vào khoảng 40.000 mét vuông. So với các trung tâm thương mại khác, Takashimaya định hình ở phân khúc thương hiệu cao cấp. Công ty đã khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại ngay trung tâm TP.HCM hồi năm 2016.
Sau gần ba năm đầu tư, mặc dù vẫn đang ghi nhận lỗ hoạt động (khoảng 100 triệu Yên năm 2018 - tương đương trên 21 tỉ đồng) nhưng Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển doanh thu ấn tượng nhất của Takashimaya. Cũng trong năm tài chính 2018, doanh thu hoạt động của Takashimaya Việt Nam đạt hơn 380 tỉ đồng, tăng 18,8% so với năm 2017. Trong khi ở các thị trường còn lại, tốc độ tăng trưởng tốt nhất cũng chỉ dừng ở mức một con số.
Cùng với đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, Takashimaya sẽ ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, theo Nikkei Review. Trung tâm thương mại Takashimaya tại Thượng Hải ghi nhận kết quả lỗ 900 triệu Yên (tương đương khoảng 8,3 triệu USD), với tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 0,7%. Trong khi đó, thị trường Đông Nam Á lại cho kết quả khả quan, riêng Singapore hiện chiếm tới 20% lợi nhuận.
Việt Nam là thị trường của nhiều nhà đầu tư trung tâm thương mại với những cái tên nổi bật như Diamond Plaza của Lotte, Vincom của tập đoàn Vingroup,... Mặc dù được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt của các trung tâm thương mại. Parkson, một trong những cái tên có mặt từ sớm tại Việt Nam, đã phải đóng cửa một số trung tâm thương mại tại TP.HCM và Hà Nội trong năm ngoái.
Dân số Việt Nam 2018 đạt mốc 97 triệu người, với 70% dân số dưới 35 tuổi, theo số liệu từ World Bank. Dù Việt Nam còn đối mặt với những khó khăn về cơ sở hạ tầng phục vụ đi kèm như tắc đường, chỗ đậu xe,..., nhưng sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu chính là điểm làm nên sức hút lớn cho các nhà đầu tư. World Bank ước tính đến năm 2026, tầng lớp trung lưu sẽ tăng lên thành 26% dân số, gấp đôi mức 13% hiện tại.
Bích Dâng
dang.pham
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vi-sao-thi-truong-ban-le-viet-nam-hap-dan-takashimaya-a371.html