Hứa hẹn và nguy cơ

Các nhà sản xuất vật liệu của Nhật Bản hoan nghênh lập trường xanh của Joe Biden, trong khi các hãng ô tô tỏ ra thận trọng.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy cơ hội phát triển trong cam kết chính sách về môi trường của ứng cử viên Joe Biden. Tuy nhiên, các hãng sản xuất ô tô nước này lại e dè hơn một chút sau thời gian chịu nhiều ảnh hưởng vì những biến động trong quy định của đương kim Tổng thống Donald Trump.

“Nếu có thay đổi trong quy định về môi trường và gia tăng nhu cầu xe điện thì nhu cầu về vật liệu nhôm để làm thân xe nhẹ hơn sẽ tăng lên”, theo ông Miyuki Ishihara, chủ tịch UACJ – công ty sản xuất nhôm cán phẳng lớn nhất Nhật Bản.

Ngành thép cũng cùng suy nghĩ với ông Ishihara.

“Đầu tư vào xe điện và các quy định cứng rắn hơn đối với xe chạy bằng xăng dầu sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho ngành sản xuất thép tấm mỏng có hiệu suất cao và thép tấm chuyên dụng cho xe điện, các lĩnh vực Nhật Bản rất mạnh”, theo giám đốc điều hành tại một công ty thép lớn của Nhật.

Ông Biden cam kết đưa Mỹ quay lại Hiệp định toàn cầu Paris về biến đổi khí hậu. Cựu phó tổng thống cũng hứa sẽ bổ sung thêm nhiều trạm sạc xe điện, tiếp tục đảo ngược việc bãi bỏ quy định bảo vệ môi trường của ông Trump.

Cam kết của ông Biden nếu được thực hiện còn mang lại tăng trưởng tiềm năng khác cho các nhà sản xuất thép Nhật Bản. Chính quyền Trump hiện áp thuế bổ sung đối với thép và nhôm nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước.

Ông Eiji Hashimoto, Chủ tịch Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cho biết: “Tôi thực sự mong chờ xu hướng cải thiện hạn chế nhập khẩu thép, dựa trên thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định thương mại Nhật Bản-Hoa Kỳ”. Ông Hashimoto cũng là chủ tịch của hãng Nippon Steel.

“Chúng tôi kỳ vọng Mỹ sẽ đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu và các vấn đề quốc tế”, Chủ tịch hãng Toshiba, ông Nobuaki Kurumatani bày tỏ. Ông cho rằng việc dự đoán được chính sách của Mỹ có xu hướng mang lại cảm giác ổn định hơn cho nền kinh tế toàn cầu.

“Tôi nhận thấy sự thúc đẩy thương mại tự do,” Chủ tịch Công ty sản xuất LCD Japan Display, ông Minoru Kikuoka nói. Ông cho biết cả hai nước đều là đối tác quan trọng, nên doanh nghiệp Nhật Bản muốn đoán trước được càng nhiều càng tốt về các vấn đề đàm phán thương mại.

Yasuo Kotera, phó chủ tịch điều hành tại công ty xây dựng Obayashi, cho biết: “Chúng tôi mong đợi đầu tư vào các công trình công cộng nhiều hơn, điều này sẽ mang lại lợi ích cho công ty con tại Mỹ. Nhưng khả năng là việc tăng thuế doanh nghiệp sẽ làm giảm đầu tư công."

Mặt khác, một số giám đốc điều hành lo ngại chương trình khí hậu của Biden sẽ làm tổn hại đến các công ty Nhật Bản. Chủ tịch Tập đoàn hàng tiêu dùng Lion, ông Masazumi Kikukawa đề phòng các điều khoản chặt chẽ hơn trong lĩnh vực khai thác dầu đá phiên bằng cách bơm thủy lực hoặc hóa chất.

“Nếu các điều kiện cho sản xuất [dầu và khí tự nhiên] bị ảnh hưởng, giá nguyên liệu thô và vật liệu nhựa từ dầu như các loại chai lọ có thể bị ảnh hưởng”, ông Kikukawa nói.

"Có khả năng sự phát triển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong nước Mỹ sẽ tụt hậu, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển LNG", một nguồn tin tại một hãng tàu lớn của Nhật Bản cho biết.

Ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản, một lĩnh vực chịu nhiều tác động từ các chính sách thương mại và môi trường của Trump, đã tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố liên quan đến ông Biden.

“Vì sẽ còn nhiều chính sách khác nhau trong tương lai, nên chúng tôi sẽ cân nhắc cách phản ứng trong khi theo dõi tình hình”, theo Chủ tịch hãng Mazda Motor, ông Akira Marumoto. Ông từ chối tiết lộ chi tiết về việc ông Biden lên làm tổng thống sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhà sản xuất ô tô.

Hồi đầu tháng Một năm 2017, hãng Toyota Motor rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng khi ông Trump, khi đó vẫn chưa tuyên thệ, đăng tin lên Twitter cá nhân bày tỏ sự bất bình về khoản đầu tư của Toyota tại một nhà máy ở Mexico. Ngay tuần sau đó, Chủ tịch Toyota, ông Akio Toyoda, công bố kế hoạch đầu tư 10 tỉ USD vào Mỹ, thể hiện sự đóng góp của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong việc tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ.

Ông Toyoda hiện kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA), và tổ chức này không tiết lộ bình luận hay kỳ vọng nào liên quan đến ông Biden. Có vẻ như JAMA sẽ chờ đợi và cân nhắc các chính sách cụ thể trước khi thực hiện bước tiếp theo.

“Các quy định về môi trường có thể sẽ trở nên chặt chẽ hơn,” một giám đốc điều hành của một nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản cho biết. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài phản ứng tùy tình hình."

Vẫn còn phải xem ông Biden sẽ có bao nhiêu tự do để thúc đẩy các chính sách của mình. Mặc dù hiện tại đảng Dân chủ duy trì được đa số tại Hạ viện Mỹ, nhưng đảng Cộng hòa có vẻ sẽ giữ quyền kiểm soát Thượng viện, tạo tiền đề cho một chính phủ chia rẽ.

Yukio Yokoyama, Giám đốc tài chính của Nissin Foods Holdings, cho biết trong kịch bản chia rẽ đó, các chính sách của Biden "có thể có xu hướng trung lập".

Theo Asian Nikkei Review

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/hua-hen-va-nguy-co-a3591.html