Vừng ơi mở ra

OpenRAN, một công nghệ 5G mới nổi có thể là câu trả lời cho nhiều nước đang đau đầu vì thế lưỡng nan của Tập đoàn Huawei.

Tín hiệu về sự trỗi dậy của mạng di động 5G dựa trên công nghệ OpenRAN dễ dàng bị chìm đi trong bối cảnh ồn ào do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và cuộc bầu cử đầy kịch tính ở Mỹ. Đầu tháng 11, nhà mạng viễn thông Vodafone tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng công nghệ mang tên OpenRAN trong các mạng di động 5G mới tại nước Anh để thay thế cho một số thiết bị của Huawei – tập đoàn công nghệ Trung Quốc có quá nhiều rủi ro về an ninh. Đây là dấu hiệu cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan do vấn đề Huawei trên thế giới không đến nỗi khó giải quyết như vẫn tưởng, và là một lời nhắc nhở rằng công nghệ OpenRAN xứng đáng nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân.

Trong những năm gần đây, nước Mỹ tiến hành một chiến dịch chống lại Huawei, vì mối lo ngại tập đoàn công nghệ Trung Quốc đe dọa đến lợi ích phương Tây và vị trí chỉ huy của Huawei đã xây dựng thành công trong các hệ thống 5G toàn cầu. Úc, Canada và Nhật Bản đã chính thức cấm sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất để lắp đặt hệ thống mạng 5G. Tháng Bảy vừa rồi, Anh cũng tuyên bố loại bỏ dần Huawei ra khỏi hệ thống mạng nước này. Ngày 20.10.2020, Thụy Điển thông báo đặt ra lệnh cấm tương tự. Sẽ còn nhiều quốc gia khác nói không với 5G Huawei.

Vấn đề là cái giá của việc từ bỏ Huawei không hề thấp: phải chịu rủi ro phụ thuộc vào hai hãng cung cấp thiết bị 5G lớn khác ở Bắc Âu là Nokia và Ericsson. Về lâu dài, chỉ có hai hãng độc quyền như vậy không tốt cho cạnh tranh và đổi mới. Về trước mắt, không lựa chọn trong số hai hãng này thực sự ổn. Đặc biệt với Nokia đang gặp vấn đề. Ngày 29.10, hãng này thông báo giảm doanh thu  7% so với cùng kỳ năm trước, và giá cổ phiếu đã sụt giảm gần 20%. Nokia cũng “rõ ràng bị bỏ sau” trong công nghệ 5G, theo lời Chủ tịch mới của Nokia, ông Pekka Lundmark trong buổi họp báo cáo kết quả kinh doanh với cổ đông ngày 29.10.

OpenRAN là giải pháp thay thế để các nước không phải dựa vào Huawei hay bộ đôi Bắc Âu. Cùng với một công nghệ có liên quan được gọi là “ảo hóa mạng”, OpenRAN làm thay đổi luật chơi. Để hiểu được tại sao như vậy, chúng ta hãy so sánh một chiếc điện thoại cố định đời cũ với loại điện thoại thông minh thời nay. Một bên là thiết bị phần cứng chuyên dụng được làm từ các linh kiện tùy chỉnh, trong khi bên kia là một máy vi tính đa năng điều khiển bằng phần mềm có thể chứa bất kỳ loại ứng dụng nào, miễn là tương thích với quy tắc kỹ thuật nhất định.

Tương tự như vậy, mạng di động kiểu cũ được làm từ các thiết bị chuyên dụng, trong khi công nghệ OpenRAN mới sử dụng hầu hết là phần cứng có sẵn, với nhiều mã xác định các lệnh có thể thực hiện. Vì toàn bộ thiết bị kết nối sử dụng giao diện chuẩn, các nhà mạng có thể kết hợp (mix and match) các sản phẩm từ các nhà cung cấp khác nhau, điều hiện nay chưa làm được. Các nhà mạng hiểu được rõ hơn những gì đang diễn ra trong hệ thống của mình và tránh được các thành phần họ không tin tưởng, như các loại chip Trung Quốc sản xuất. Họ cũng có thể tiết kiệm được nhiều hơn và triển khai dự án nhanh hơn.

OpenRAN đang chuẩn bị tăng tốc. Tháng Mười, nhà mạng Nhật Bản Rakuten Mobile cho ra mắt mạng 5G đầu tiên trên thế giới dựa vào công nghệ OpenRAN – điều này giúp họ giảm đầu tư lên tới 40%. Họ cũng có thể kết hợp các dịch vụ mới chỉ trong vài phút thay vì hàng tháng nếu sử dụng hệ thống mạng cũ. Tháng Chín, nhà mạng Telefónia với 260 triệu thuê bao di động ở châu Âu và châu Mỹ Latin, phối hợp với Rakuten để triển khai công nghệ OpenRAN rộng rãi hơn trong hệ thống theo kế hoạch đến năm 2025. Ở Mỹ, Dish Network bắt đầu xây dựng mạng 5G dựa trên công nghệ này. Trong tình hình loại trừ Huawei, thậm chí các nhà sản xuất thiết bị cũng dần đi theo xu hướng này.

Tuy nhiên, OpenRAN vẫn có nhiều vấn đề. Chuỗi cung ứng cho công nghệ mới này vẫn chưa được kiểm chứng và có thể đối mặt nhiều điểm nghẽn nếu nhu cầu đột ngột tăng mạnh khi có nhiều nhà mạng tham gia. Mặc dù được triển khai ở một số vùng đô thị tại Nhật Bản, các chuyên gia lo ngại rằng công nghệ OpenRAN có thể vẫn chưa hoạt động tốt ở khu vực đông dân cư. Hầu hết các nhà mạng, bao gồm Vodafone đều muốn thử nghiệm ở vùng nông thôn trước. Việc tích hợp các sản phẩm khác nhau để tạo nên một mạng sử dụng công nghệ OpenRAN cũng phức tạp. Và mặc dù công nghệ này có thể làm giảm nguy cơ mất an ninh từ Trung Quốc, OpenRAN cũng tạo ra các lỗ hổng mới để tin tặc lợi dụng.

Điều này có nghĩa là chính phủ các nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghệ mới. Chẳng hạn, các chính phủ có thể giúp giải quyết các điểm nghẽn bằng cách khuyến khích đầu tư vào phát triển các loại chip chuyên dụng để ăng-ten hoạt động, cũng như yêu cầu các phòng thí nghiệm kiểm tra khả năng tích hợp các bộ phận của mạng 5G như đề xuất của các nhà làm luật tại Mỹ. Chính phủ cũng nên theo gương Nhật Bản bằng cách đẩy mạnh các bộ tiêu chuẩn chung cho các nhà sản xuất thiết bị và nhà mạng để có thể giải quyết vấn đề an ninh và tương thích với OpenRAN. Quyết định phụ thuộc vào một công ty của Trung Quốc hay dựa vào hai công ty phương Tây là lựa chọn khó khăn. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu thêm một lựa chọn khi công nghệ mới có cơ hội phát triển.

Theo The Economist

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/vung-oi-mo-ra-a3588.html