Ngành giao nhận Việt Nam hấp dẫn với sự phát triển của bán lẻ

Tuần trước, chuỗi bán lẻ thiết bị di động FPT Retail chính thức công bố lấn sân sang ngành logistics.

Dịch vụ giao nhận tăng nhanh với sự tăn trưởng sức mua của cư dân đô thị và sự thay đổi của hành vi mua sắm.
Dịch vụ giao nhận tăng nhanh với sự tăng trưởng sức mua của cư dân đô thị và sự thay đổi của hành vi mua sắm (Ảnh: Bảo Zoãn)

Trong thông cáo báo chí, FPT Retail cho biết, việc bổ sung hai ngành nghề kinh doanh là bưu chính và chuyển phát sẽ giúp công ty tận dụng các nguồn lực có sẵn như mạng lưới hơn 540 cửa hàng tại 63 tỉnh thành, cùng với nguồn nhân lực của công ty. Đồng thời, công ty cũng cho biết thêm, việc bổ sung hai ngành nghề mới cũng là để chuẩn bị cho việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hướng đi mới của FPT Retail trong tương lai.

Đối với các chuỗi bán lẻ của FPT Retail như FPT Shop, đa phần các cửa hàng thường nằm ở những vị trí đắc địa của thành phố. Tuy vậy, mặt bằng của một cửa hàng chỉ sử dụng dùng tầng trệt để phục vụ cho việc bán hàng và trưng bày sản phẩm.

Thị trường giao nhận Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu như Vietnam Post của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là sự lựa chọn phổ biến đặc biệt là của người dân ở các tỉnh thì khoảng bảy năm trở lại đây, thị trường giao nhận Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ với nhiều cái tên mới xuất hiện và nhanh chóng xây dựng mạng lưới bưu cục trải khắp cả nước.

Thành lập từ năm 2013, Giao hàng tiết kiệm cho biết, công ty hiện có 20 trung tâm vận hành, hơn 500 chi nhánh tại 63 tỉnh thành với hơn 8.000 tài xế, và tổng diện tích đạt 100.000 mét vuông. Giao hàng tiết kiệm đặt mục tiêu sẽ cán mốc 100 triệu đơn hàng trong thời gian tới. Sau bảy năm thành lập, Giao hàng nhanh hiện có 301 bưu cục trên toàn quốc. Đến Việt Nam từ năm 2001, Kerry sở hữu 120 bưu cục trên cả nước, với bốn kho tổng.

Năm 2018, Viettel Post công bố doanh thu đạt hơn 4.900 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 279 tỉ đồng tăng tới hơn 60% so với năm 2017. Viettel Post đã chính thức giao dịch trên UPCoM vào tháng 11.2018. Công ty này đặt mục tiêu sẽ đạt 10.000 tỉ đồng doanh thu trong năm 2019, theo Báo cáo thường niên. Công ty cho biết, hiện đang đứng thị phần thứ hai trên thị trường, với 25% thị phần.

Thời điểm các công ty giao nhận tích cực tham gia vào thị trường cũng là giai đoạn thương mại điện tử Việt Nam phát triển với những cái tên như Tiki, Lazada, Shopee cùng với nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài như Alibaba hay JD.com. Từ năm 2015, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đã tăng ba lần, đạt 9 tỉ USD vào năm 2018 và dự báo sẽ ở mức 33 tỉ USD vào năm 2025, theo báo cáo của Google và Temasek.

Trong một phỏng vấn với Nhà Quản Lý, ông Lương Duy Hoài, nhà sáng lập Giao hàng nhanh, Ahamove cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ ào ạt vào Việt Nam để tìm cách đầu tư từ thời điểm hiện tại để chuẩn bị hạ tầng kho cho tầm nhìn 50 năm tới. Trái tim của ngành logistics chính là kho hàng và các nhà đầu tư nước ngoài đang cố gắng làm nhanh nhất có thể”. 

Trong thị trường bán lẻ kiểu mới, các cửa hàng, mặt bằng bán lẻ trong thành phố đều được xem là kho và giúp giành được lợi thế cạnh tranh của một đơn vị vận chuyển về yếu tố thời gian giao hàng, ông Hoài nhận định. 

Dâng Phạm

dang.pham

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/nganh-giao-nhan-viet-nam-hap-dan-voi-su-phat-trien-cua-ban-le-a358.html