Thiếu sót trong trợ vốn chống biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là mối quan tâm trọng điểm của nhiều quốc gia và tổ chức. Việc trợ vốn chống biến đổi khí hậu (climate finance) nở rộ nhưng còn nhiều thiếu sót, bất cập.

Climate finance hay green finance (trợ vốn xanh, trợ vốn chống biến đổi khí hậu) là việc tăng cường dòng vốn (từ ngân hàng, tổ chức tín dụng vi mô, công ty bảo hiểm và đầu tư) từ các khu vực công, tư và các tổ chức không vì lợi nhuận (not-for-profit) vào các dự án ưu tiên tính bền vững về tài nguyên môi trường.

Việc cấp vốn nói chung cho một lĩnh vực bất kỳ luôn phản ánh sự vận động của xã hội, nhưng cũng có thể tác động làm thay đổi diện mạo xã hội. Câu hỏi đặt ra là vai trò của ngành tài chính trong việc giảm bớt khí thải carbon trong hoạt động kinh tế. Nếu dựa vào khoản vốn huy động khổng lồ hiện tại và các tuyên bố trang trọng của nhà đầu tư, ngân hàng và giới hoạch định chính sách, có thể nghĩ rằng ngành tài chính chuẩn bị ra tay cứu lấy hành tinh. Trong năm nay đã có khoảng 500 quỹ môi trường, xã hội và quản lý ra mắt. Nhiều nhà quản lý tài sản nói rằng họ sẽ buộc các công ty cắt giảm xả thải và tài trợ vào các dự án mới mang tính bền vững. Tuy vậy, khi chúng ta xem xét lại, climate finance chịu nhiều ảnh hưởng từ tư duy rối rắm, câu chữ marketing vô nghĩa và dữ liệu không chuẩn xác. Tài chính thực sự có vai trò quan trọng trong chống thay đổi khí hậu nhưng cần sớm có một cách tiếp cận vững chắc hơn nhiều.

Một trong các thiếu sót của climate finance là “tầm quan trọng khi ra quyết định” (materiality). Một số nhà quản lý quỹ khát phí đưa ra tuyên bố hùng hồn về ảnh hưởng của mình. Thậm chí có các nhóm chuyên đổ lỗi cho doanh nghiệp là gây ô nhiễm môi trường. Thực tế không như vậy. Các nhà quản lý quỹ có một vài ảnh hưởng đến phần lớn nền kinh tế, nhưng nhiều vụ xả khí thải xảy ra ngoài các doanh nghiệp họ quản lý. Theo đánh giá của The Economist, các doanh nghiệp niêm yết công khai, ngoại trừ các doanh nghiệp do nhà nước quản lý, chiếm khoảng 14-32% tổng xả thải. Các nhà quản lý quỹ toàn cầu không thể ảnh hưởng trực tiếp lên các vị lãnh đạo của một nhà máy điện than quốc doanh Trung Quốc hay nhà sản xuất dầu khí Trung Đông.

Một số nhà làm luật ngân hàng ở châu Âu hy vọng có thể gián tiếp cắt giảm khí thải, bằng cách đặt ra yêu cầu kiểm tra mức độ ảnh hưởng lên khí hậu cho người đi vay hoặc công ty bảo hiểm, khiến họ chấm dứt các dự án gây ô nhiễm. Nhưng bằng chứng rõ ràng cho thấy điều này sẽ không tạo mấy khác biệt (khi không thay đổi trong quy định về xả thải). Tác động lên thanh khoản của các doanh nghiệp này rất nhỏ, vì chỉ một phần nhỏ tài sản của họ được đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch hay các dự án có khả năng gây ra rủi ro thực, chẳng hạn như lũ lụt, và các tài sản này còn khấu hao sau 10-15 năm. Trong khi đó, mặc dù được gây vốn, tổng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng chỉ được một nửa mức cần thiết để duy trì mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (mục tiêu của thỏa thuận chung Paris 2015).

Một vấn đề khác là khả năng đo lường mức độ gây ô nhiễm. Theo lý thuyết, một nhà quản lý quỹ từ danh mục đầu tư, hoặc một chủ ngân hàng từ danh sách cho vay, có thể tính toán được tổng lượng khí nhà kính (carbon footprint) cho hoạt động kinh doanh, bao gồm các hoạt động chuỗi cung ứng và sản xuất, một cách dễ dàng. Từ đó, họ có thể khách quan đánh giá cả lượng carbon và hiệu quả đầu tư và so sánh các dự án đầu tư với nhau. Thật không may, bí mật kinh doanh khiến điều này là không thể, ít nhất là hiện tại. Thay vào đó, các nhà quản lý quỹ đành phải dùng cách cuối là chỉ số đánh giá ESG mơ hồ (bộ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị để đánh giá và sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng). Các nhà tư vấn bên ngoài đưa ra đánh giá dựa trên các phương pháp không hề đơn giản, làm bối rối cả khách hàng và lãnh đạo. Các dự án cho là thân thiện với môi trường thường hình thành từ vốn đầu tư chứng khoán của các doanh nghiệp gây ô nhiễm lớn (big polluters).

Vấn đề cuối cùng là động lực. Giả sử các cổ đông có thể ảnh hưởng lên một doanh nghiệp và đo lường chính xác mức độ xả thải của doanh nghiệp đó, thì sau đó họ có thể không có động lực đủ mạnh để ép buộc doanh nghiệp như vậy đóng cửa các giếng dầu làm ăn có lợi nhuận, hoặc tăng đầu tư vào năng lượng thử nghiệm và lưới điện tốn kém. Nguyên nhân là do các sản phẩm phụ có thể gây ra khí thải nhà kính không được tính toán chính xác vào các dự án năng lượng sạch. Các nhà đầu tư xanh có tâm có thể vẫn muốn đưa ra quyết định thân thiện với môi trường, nhưng họ có thể không mang đủ trọng trách để quyết định cách mà các doanh nghiệp hành xử với môi trường.

Vậy phải làm gì? Các chính phủ cần bắt buộc các doanh nghiệp cải thiện mức độ minh bạch thông tin. Các nhà quản lý tài sản cần phải bỏ đi thói quen tuyên bố và các món quà thông điệp (gimmick) để đặt ra các mục tiêu rõ ràng và đo lường được. Quan trọng nhất, việc áp dụng rộng rãi thuế carbon sẽ mở ra nguồn vốn tài trợ còn đang bị khóa lại, cho các nhà đầu tư và ngân hàng động lực mạnh mẽ để chuyển nguồn vốn từ các ngành gây ô nhiễm sang các ngành hướng về tính bền vững và phát triển các công cụ tài chính để cho phép các doanh nghiệp mua bán phát thải carbon (hedge and trade carbon price). Trợ vốn khí hậu vẫn còn trong thời kỳ sơ khai. Vẫn còn nhiều không gian để cải thiện.

Tổng hợp từ The Economist (tựa đề do Tạp chí Nhà Quản Lý đặt)

caodung

Link nội dung: https://nhaquanly.vn/thieu-sot-trong-tro-von-chong-bien-doi-khi-hau-a3512.html