Không chỉ dừng lại với các sản phẩm cho vay tiêu dùng quen thuộc như mua
xe, mua đồ điện tử, xe máy, các gói tín dụng tiêu dùng giờ đây còn
hướng tới các khách hàng có nhu cầu lắp pin năng lượng mặt trời phục vụ
sinh hoạt hộ gia đình.
Ngày 18.6.2019, ngân hàng HSBC Việt Nam kết hợp với đối tác GIC, một công ty chuyên về lắp ráp và thi công điện mặt trời để tạo ra gói vay cho các hộ gia đình có nhu cầu lắp điện mặt trời. Trong buổi họp báo, ông Lê An Khang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị GIC cho biết, ngày càng có nhiều người Việt Nam nhận thức tính bền vững của các sản phẩm như điện mặt trời nhưng và sản phẩm kết hợp với ngân hàng đi từ thắc mắc của đại đa số “liệu tôi có đủ khả năng tài chính lắp đặt hệ thống này?”
Đặc điểm của các gói sản phẩm tài chính của HSBC về điện mặt trời là tỉ lệ lãi suất cho vay thấp và chiết khấu từ đối tác cung cấp, mà ở đây là GIC. Đại diện HSBC Việt Nam cho biết, “Chương trình Tín dụng Xanh không có giới hạn về khách hàng sẽ nhận được khoản vay. Khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện đề ra sẽ được tham gia gói vay với lãi suất ưu đãi và chiết khấu trực tiếp trên sản phẩm.”
HSBC không phải là ngân hàng đầu tiên tạo ra các gói vay hướng tới sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhưng lại là ngân hàng đầu tiên xây dựng sản phẩm dành cho hộ gia đình. Hồi tháng 5.2019, HDBank, một ngân hàng thương mại có quy mô tầm trung cũng công bố dành 7.000 tỉ đồng cho các dự án điện mặt trời. Vietcombank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam ký kết hợp đồng tài trợ vốn đầu tư cho một dự án điện năng lượng mặt trời, bắt đầu là dự án của Tập đoàn TTC hồi giữa năm 2018, theo thông tin từ TTC. Từ quý III.2018, Vietcombank cũng dành ra gói tín dụng gần 800 tỉ đồng cho dự án điện mặt trời Solar 1 tại Ninh Thuận.
Xu hướng các sản phẩm năng lượng sạch nhận sự quan tâm vì thực trạng quá tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Theo Cổng Thông tin Chính phủ, Bộ Công thương từ năm 2020, nguy cơ thiếu điện khu vực miền Nam do các dự án trong Quy hoạch điện VII chậm tiến độ tại các Dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm; dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 và 2.
Từ năm 2012 đến năm 2015, Chính phủ và các bộ ban ngành khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã ký ban hành các quyết định và kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. “Như vậy, khuôn khổ cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được hình thành. Song với một nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn ngân sách quốc gia còn eo hẹp và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về vốn có giới hạn thì việc tham gia tích cực của hệ thống tài chính trong chiến dịch xanh hóa nền kinh tế có vai trò hết sức quan trọng”, nhận xét của thạc sĩ Hồ Hạnh Mỹ, giảng viên Đại học Ngân hàng đăng trên Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng 2016.
dang.pham
Link nội dung: https://nhaquanly.vn/cac-ngan-hang-dau-tu-vao-kenh-nang-luong-sach-a344.html